Theo chuyên gia chứng khoán độc lập Huy Nam, cần hiểu thâu tóm đúng hơn để thấy đây là việc cần thiết, là tốt cho hoạt động của doanh nghiệp.
Có thể hai chữ thâu tóm đã vô tình tạo nên sự dị ứng, nên người ta đã không thấy hết những mặt tốt đẹp của nó.
Thâu tóm - trong phần lớn trường hợp là một sự hợp tác có tính chiến lược, để qua đó, tạo thêm những giá trị cộng hưởng và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển tốt hơn. Vì thế, trong khi các doanh nghiệp tìm cách chống lại thâu tóm thì không thiếu đơn vị muốn bị thâu tóm mà lại không ai đến đặt vấn đề.
Tôi cho rằng, nếu công ty quá lo ngại bị thâu tóm thì đó chỉ có thể vì lãnh đạo sợ mất quyền tự chủ, mất quyền kiểm soát.
Thực ra, càng lo sợ bị thâu tóm thì khả năng bị thâu tóm càng dễ xảy ra. Bởi càng sợ mất, anh sẽ càng bảo thủ. Khi doanh nghiệp trở nên bảo thủ thì công ty không thể phát triển được.
Hành động chống thâu tóm, vì thế, đôi khi chỉ vì quyền lợi của một nhóm lợi ích chứ không hẳn vì tương lai công ty. Hành động này có thể xung đột với quyền lợi của đa số cổ đông khác. Nói thế để thấy, không riêng doanh nghiệp cần hiểu đúng về thâu tóm để có thể tận dụng, nắm bắt các cơ hội từ thâu tóm đem lại, mà nhà đầu tư cũng cần nhìn ra bản chất của thâu tóm thường là tốt trên bình diện lợi ích chung.
(Theo ĐTCK)