Bệnh nhi ngụ Đồng Tháp sốt nhẹ ba ngày, tiêu phân lỏng nhiều lần, co giật toàn thân. Gia đình đưa vào phòng khám đa khoa gần nhà, bác sĩ xử trí thở oxy, chống co giật rồi chuyển đến TP HCM.
Ngày 11/12, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết bệnh nhi nhập viện cấp cứu với môi tím, vào sốc, mạch khó bắt, huyết áp khó đo, xét nghiệm sốt xuất huyết dương tính.
Các bác sĩ hỗ trợ hô hấp, chống sốc theo phác đồ, song tình trạng trẻ diễn tiến nguy kịch. Kíp điều trị tích cực truyền máu, truyền huyết tương, tiểu cầu, chọc dò ổ bụng, màng phổi nhằm giải áp.
Sau đó, hô hấp của bệnh nhi diễn tiến xấu hơn, hình ảnh Xquang phổi cho thấy tổn thương phổi nặng lan tỏa hai bên, biểu hiện hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS).

Xquang ngực cho thấy hình ảnh tổn thương thâm nhiễm phổi nặng lan tỏa hai phế trường. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ hội chẩn toàn viện, quyết định thực hiện kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO), là vũ khí, phương tiện hỗ trợ hô hấp cuối cùng cho những trường hợp suy hô hấp nguy kịch.
"Đây là bệnh nhi sốt xuất huyết đầu tiên phải can thiệp ECMO", bác sĩ Tiến nói. Bên cạnh đó, trẻ được điều trị hỗ trợ gan, điều chỉnh nước điện giải, toan chuyển hóa, kháng sinh, hạ sốt, dinh dưỡng.
Sau hai tuần, tình trạng bé mới cải thiện dần, cai ECMO và sau đó cai máy thở. Bé vừa được xuất viện sau 49 ngày nằm viện.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận hơn 77.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần 7 lần cùng kỳ năm ngoái, số ca bệnh nặng tăng hơn 3,2%. 29 người tử vong trong năm 2022 vì bệnh này, gấp gần 5 lần năm trước. Gần đây, số ca sốt xuất huyết giảm hơn trước nhưng số trường hợp nặng vẫn còn nhiều.
Bác sĩ Tiến cho biết, một số người chưa nhận thức được dấu hiệu nặng để đưa bệnh nhân vào viện kịp thời. Do đó, khi sốt cần nghĩ đến sốt xuất huyết. "Khi có dấu hiệu nặng, phải vào bệnh viện ngay, kể cả trong đêm bởi đợi đến sáng có thể khó cứu chữa", bác sĩ khuyến cáo.
Cụ thể, cần lưu ý khi trẻ sốt cao trên hai ngày, có một trong các dấu hiệu như quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì; đau bụng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống.
Đặc biệt, cần cẩn trọng khi bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao liên tục, từ 38 đến 40 độ C, uống thuốc hạ sốt có bớt nhưng sau đó sốt trở lại. Ở ngày bệnh thứ 3-6, nếu hết sốt nhưng có một trong các dấu hiệu trở nặng, cần nhập viện ngay, bởi đây là giai đoạn nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết, không nên chủ quan. Trường hợp chậm trễ, bệnh nhân có thể sốc sâu, điều trị khó khăn, nguy cơ gặp nhiều biến chứng nặng như suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan, suy đa tạng..., thậm chí tử vong.
Lê Phương