Covid-19 khiến cả cung và cầu bất động sản gián đoạn trong những tháng đầu năm 2020. Đặc biệt khi cả nước bước vào giai đoạn giãn cách xã hội, mọi hoạt động giao dịch, mua bán tập trung gần như đình trệ, trong đó bất động sản nghỉ dưỡng chịu thiệt hại nặng nề nhất khi ngành du lịch tê liệt.

Trước sự ảnh hưởng của "cơn bão" Covid-19, thị trường vẫn đang đối diện với những thách thức hiện hữu như siết tín dụng bất động sản, siết thủ tục cấp phép đầu tư xây dựng, tồn kho hàng cao cấp nhưng nguồn cung nhà giá rẻ lại thiếu hụt... Tác động "kép" gây ra hàng loạt bài toán khó đối với cả doanh nghiệp lẫn người mua nhà để ở và nhà đầu tư.

Sở hữu danh mục đầu tư gồm 100 dự án với quỹ đất trên 4.500 ha, Tập đoàn Hưng Thịnh không nằm ngoài dòng xoáy chung của thị trường. Ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ với VnExpress cách thức doanh nghiệp này vượt khó và những kiến nghị giúp thị trường bước qua giai đoạn đầy thách thức.

Thị trường nói chung khá trầm lắng, nhưng từng doanh nghiệp thì có cách ứng phó riêng, cho nên tác động lên mỗi đơn vị lại khác nhau. Tôi cho rằng tâm lý thị trường không quá tiêu cực như chúng ta nghĩ. Trước hết do thời gian giãn cách xã hội của Việt Nam không quá dài, công tác kiểm soát dịch hiệu quả. Tình hình chống dịch khả quan đang tiếp thêm sự lạc quan, tinh thần phấn khởi và hướng về tương lai của người dân. Điều đó phần nào giúp thị trường bất động sản có cơ sở để tin vào sự hồi phục trong thời gian tới.

Một số quan điểm cho rằng giá bất động sản sẽ cao hơn trước Covid-19. Tôi không nghĩ vậy. Biến cố đang "đánh" trực tiếp vào túi tiền của người dân. Người mua đang ít tiền đi. Do đó họ sẽ cẩn trọng hơn, nhu cầu cũng sẽ bám vào những mặt hàng thiết yếu, cần thiết và giá trị nhất. Và đối với bất động sản, họ cũng sẽ chọn những dự án có giá trị thực sự với mức giá phù hợp của các chủ đầu tư có bề dày kinh nghiệm, có dự án đối chứng.

Khó khăn của chúng tôi cũng là khó khăn chung của thị trường và của cả nền kinh tế. Mới đây chúng tôi rót gần 100 triệu USD vào một dự án bất động sản nghỉ dưỡng quy mô lớn hàng đầu cả nước tại Quy Nhơn, dự định đầu tư mạnh trong năm nay. Đột ngột, Covid-19 ập đến khiến mọi thứ gần như ngưng trệ. Ai nấy đều lo lắng. Tập đoàn cũng nhanh chóng ra quyết định đưa dự án vào trạng thái “chờ” để triển khai trở lại khi mọi thứ thuận lợi.

Những tháng qua, chúng tôi ngày nào cũng luôn theo dõi sát thông tin về Covid-19 để đưa ra những quyết sách kịp thời. Những quyết định nhanh gọn này đã giúp Hưng Thịnh kịp thời tái cấu trúc. Chỉ trong một tháng mà hiệu suất làm việc của đội ngũ bằng 5 tháng thông thường. Đến nay, về cơ bản Tập đoàn đã vượt qua khó khăn bằng nhiều biện pháp.

Trước hết tôi tri ân toàn đội ngũ cán bộ nhân viên Hưng Thịnh. Các bạn rất đồng lòng. Chúng tôi chưa hề thông báo giảm lương nhân viên nhưng mọi người tự đề xuất, sẵn sàng nhận lương thấp hơn. Ví dụ có một bộ phận lương thấp, Tập đoàn hỗ trợ nhưng cán bộ nhân viên không nhận, nhường lại cho ai khó khăn hơn; bộ phận lãnh đạo chia sẻ lương lại cho cán bộ nhân viên cấp dưới… Với Hưng Thịnh, dù trong gian nan nhưng chúng tôi luôn có niềm tin mình sẽ sớm vượt qua và vì thế chúng tôi sẵn sàng chia sẻ cùng nhau. Đó chính là nét văn hóa đặc trưng của tập đoàn.

Khi dịch bệnh khiến các hoạt động offline đình trệ, chúng tôi tăng cường làm việc online. Tưởng khó khăn nhưng hóa ra lại hiệu quả. Dù có cả trăm người tham gia nhưng tất cả phải lắng nghe từng ý kiến một. Việc này tạo cơ hội để chúng ta lắng lại, nghe người khác nói và thấu hiểu trước khi mình cất tiếng nói. Chiều ngược lại, chúng tôi cũng nói vui với nhau là họp online không phải nhìn mặt sếp, mọi người cứ phát ngôn thoải mái. Kết quả là đội ngũ chia sẻ cởi mở hơn, tương tác hiệu quả hơn.

Tập đoàn phải tính toán lại sản phẩm gì đang gặp ảnh hưởng, chúng tôi tạm dừng. Còn sản phẩm nào thích nghi với hậu Covid-19 thì đẩy mạnh triển khai. Đại dịch tác động rất lớn đến thị trường bất động sản, nguồn cung có thể giảm nhưng không mất đi và bất động sản vẫn còn đó. Giống như một làn sương quét qua thành phố, không ai ra đường, không ai tiêu dùng… Mọi thứ hữu hình vẫn như vậy nhưng vô hình đã thay đổi.

Sau lễ 30/4, chúng tôi quan sát thấy nhu cầu nghỉ dưỡng biển vẫn có nhưng nhiều người vẫn e dè khi đến khách sạn. Do đó tôi tin second home hợp túi tiền vẫn là phân khúc phát triển mạnh trong tương lai. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu sản phẩm second home giá hợp lý, phục vụ cho những cá nhân hay gia đình có nhu cầu nghỉ dưỡng. Ai thích du lịch thì đến ở, có biến cố thì về nghỉ ngơi, vừa an toàn vừa tốt cho sức khỏe lại gần gũi với thiên nhiên. Đây chính là điều chúng ta hay nói "trong nguy có cơ", nhu cầu lúc nào cũng có.

Bất động sản hiện khó khăn nhưng trong khó khăn lại có cơ hội. Sau dịch mọi người gặp khó khăn, do đó doanh nghiệp phải nghĩ ra các sản phẩm để bán cho người nghèo chứ không chỉ chăm chăm bán cho người giàu. Làm sao để bán được một sản phẩm rẻ nhất có thể mà vẫn đảm bảo được các tiện ích tốt nhằm giúp nhiều người mua được đó mới thực sự là bài toán hóc búa lúc này. Bây giờ, có sản phẩm kinh doanh, lợi nhuận ít, chủ yếu là tạo công ăn việc làm cho cán bộ nhân viên là tốt rồi.

Nói về phương thức thanh toán, nếu trước đây quy định một thanh toán khác thì bây giờ chúng ta có thể áp dụng thanh toán mỗi đợt ít đi để cho người mua đủ khả năng tích lũy. Phương thức thanh toán linh hoạt cũng giúp người mua thấy được sự hợp tác, đồng cảm và chia sẻ từ chủ đầu tư.

Quan trọng nhất, chúng tôi xác định đây là lúc tất cả thành tố trong nền kinh tế cần đồng lòng, giúp nhau vượt qua khó khăn. Từ góc độ doanh nghiệp, mọi chiến lược suy cho cùng đều hướng đến khách hàng. Tất cả chúng ta đều đang trong một cái "hố" Covid-19, giải pháp là cùng hỗ trợ nhau từng bước đi lên, chứ không phải "đạp" lên nhau để trục lợi.

Việc cần làm trong và hậu Covid là làm sao để giữ được cái đã có, cùng nương tựa vào và giàu lên. Nếu ai cũng thu nhập thấp, lấy đâu ra người mua nhà để nâng cao chất lượng sống để cho ngành Bất động sản phát triển. Tôi hay nói rằng, mọi người giàu lên thì việc kinh doanh cũng sẽ thuận lợi hơn. Chính vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm với cộng đồng.

Để làm được điều đó, chúng tôi triển khai các chương trình hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng. Chẳng hạn từ 25/3 - 31/5, chúng tôi áp dụng chương trình: khách hàng thanh toán trong giai đoạn này sẽ được tặng khoản tiền mặt tương đương 5% trên tổng số tiền thanh toán. Riêng đội ngũ y bác sĩ, từ ngày 14/4 đến hết 15/5 chúng tôi áp dụng chương trình chiết khấu từ 7-10% đối với một số sản phẩm. Nhiều người bảo tôi chiêu trò, nhưng thực chất đây là tiền túi của doanh nghiệp bỏ ra để thể hiện sự hợp tác, đồng cảm và chia sẻ với khách hàng chứ không chỉ nói suông, chính điều đó khách hàng rất hoan nghênh, ủng hộ cách làm của chúng tôi.

Tương tự, chúng tôi cũng hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng các trung tâm thương mại tại các dự án do tập đoàn và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư từ 20-80%, thậm chí miễn phí tiền thuê đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Ai cũng đang khó khăn, tôi cũng không muốn cố thu tiền của đối tác. Các chủ doanh nghiệp lúc này đang cần sự chia sẻ và động viên.

Trước hết cần tạo mọi điều kiện giúp người dân mua nhà để kích thích kinh tế. Hầu hết người dân tại các thành phố lớn đều mong muốn sở hữu nhà ở để xây dựng cuộc sống và gắn bó gần như cả cuộc đời. Xuất thân nghèo khó, tôi đã từng trải qua cuộc sống làm công nhân với 4 người ở trong phòng trọ 12 m2, tôi hiểu cái nghèo như thế nào. Do đó việc có được ngôi nhà với người thu nhập thấp là một bước ngoặt lớn, một ước mơ, thậm chí là một gia tài phải tích lũy cả đời. Khi sở hữu nhà ở, họ sẽ mua sắm đồ đạc, vật dụng qua đó kích thích tiêu dùng. Quá trình thi công của ngành xây dựng cũng tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu lao động và tiêu thụ nguồn nguyên vật liệu xây dựng rất lớn để hoàn thiện nhà ở. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy chính sách hỗ trợ người mua nhà đầu tiên. Chẳng hạn, nếu 35 tuổi chưa có nhà thì phải giúp người ta có nhà, ngân hàng phải có chính sách cho vay, lãi suất thấp. Nhà nước nên có chính sách giảm tiền sử dụng đất. Doanh nghiệp cũng nên cam kết lợi nhuận hợp lý, có thể chỉ khoảng 8%, không được cao, để san sẻ gánh nặng cho người mua. Có như vậy đông đảo người dân mới tiếp cận được.

Doanh nghiệp cũng hy vọng cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ theo hướng quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh các quy định pháp luật còn bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai và kinh doanh bất động sản. Từ đó rút ngắn, tối ưu hóa thời gian triển khai dự án nhà ở, giảm chi phí tài chính và chi phí quản lý phát sinh do thủ tục kéo dài, giúp giảm giá thành nhà ở cho người dân. Những dự án doanh nghiệp tự bỏ tiền thỏa thuận đền bù cho người dân để có quỹ đất lập dự án cần được khuyến khích và hỗ trợ, vì đây là thỏa thuận dân sự, sẽ tránh được những phiền phức và hệ lụy về sau.

Ngoài ra, Chính phủ và các Bộ cũng cần xem xét điều chỉnh phương pháp tính tiền sử dụng đất của chủ đầu tư "theo giá thị trường" đang bất cập và có xu hướng "định giá tăng" như hiện nay, mặc dù thị trường thực tế đang gặp rất nhiều khó khăn, giá bất động sản đang giảm. Sự thiếu nhất quán trong phương pháp định giá đất sẽ không đúng thực tế thị trường, làm tăng giá thành sản phẩm nhà ở khiến người dân khó có cơ hội mua nhà giá thấp.

Bên cạnh đó cũng cần những chính sách kích thích phát triển du lịch - một trong những ngành kinh tế quan trọng đóng góp đáng kể vào nền kinh tế, văn hóa, xã hội... của đất nước. Việt Nam chúng ta có thiên nhiên tươi đẹp, cảnh sắc tuyệt vời, khí hậu trong lành... nhất là khu vực ven biển. Với lợi thế về địa lý, khí hậu thuận lợi cho phát triển du lịch, Việt Nam đã là điểm đến thu hút khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, hiện Chính phủ vẫn hạn chế khách du lịch nước ngoài để đảm bảo kiểm soát dịch. Do đó, đây là thời điểm kêu gọi người dân Việt Nam đi du lịch với khẩu hiệu “Khám phá quê hương”; để kích thích người dân đi du lịch trong nước và chi tiêu, bù đắp lượng khách nước ngoài phục hồi ngành du lịch mà vẫn đảm bảo kiểm soát tốt được dịch bệnh.

Chúng tôi không thể thay đổi tất cả nhưng có thể thay đổi một nhóm người, và từ đó nhân rộng ra, từng chút một. Khi phát triển sản phẩm, tôi luôn tâm niệm người nhà, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp của tôi yêu và thích nó, thì tôi mới làm. Còn nếu làm một sản phẩm chỉ để có lời thì đó không phải là những gì tôi cũng như Tập đoàn Hưng Thịnh muốn hướng đến.

Hiện tại, chúng tôi đang lên kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với Hưng Thịnh Land. Đây là thành viên nòng cốt song hành cùng Tập đoàn Hưng Thịnh phát triển thành công hàng loạt dự án bất động sản trong suốt nhiều năm qua. Với bước đi mới tới đây, Hưng Thịnh Land sẽ đảm nhận và tập trung việc đầu tư, phát triển và kinh doanh toàn bộ 100 dự án bất động sản, với quỹ đất trên 4.500 ha, mở ra một trang mới chuyên nghiệp hơn.

Với việc IPO Hưng Thịnh Land, chúng tôi mong muốn chia sẻ cơ hội và thành công cùng các đối tác, cũng như có thêm nhiều nguồn lực mới để phát triển sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý, tiện ích hiện đại, phục vụ nhu cầu ở thực của số đông người mua nhà. Bên cạnh đó là khai thác sâu công nghệ để hình thành hệ sinh thái bất động sản minh bạch, lành mạnh và tạo cơ hội cho tất cả người mua, người bán tham gia thị trường. Tùy thời điểm, chúng tôi sẽ triển khai lộ trình phù hợp. Giai đoạn này, Hưng Thịnh vẫn sẽ tiếp tục những việc đang làm tốt, đó là phát triển sản phẩm chất lượng, bên cạnh đó là nghiên cứu đầu tư công nghệ, kiến tạo một nền tảng giao dịch bất động sản với ý tưởng mới lạ lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.

Tôi mong muốn xây dựng một thị trường lành mạnh, trên cơ sở nền tảng pháp luật công bằng để người tài, doanh nghiệp giỏi có thể phát triển. Chỉ có công bằng thì kinh tế Việt Nam mới có thể vươn lên cạnh tranh với quốc tế.