Người gửi: Yen Ngoc
Việc tuyên dương các thủ khoa là hoạt động có ý nghĩa xã hội rất lớn. Nó giáo dục lòng hiếu học của người Việt. Tuy nhiên, theo tôi, nếu Hà Nội đã có chính sách trải thảm đỏ thu hút nhân tài thì cần đầu tư thoả đáng để sử dụng nhân tài. Cơ chế tiền lương của ta đang cải thiện đáng kể, nhưng các công ty nước ngoài hoặc liên doanh, tư nhân thu hút được người tài cũng một phần nhờ chính sách ưu đãi bằng tiền lương và thăng tiến chức vụ.
Tôi có cậu em thủ khoa ĐH Kinh tế quốc dân. Ra trường được một cơ quan sự nghiệp ở Hà Nội nhận vào biên chế ngay, nhưng 3 tháng sau cậu ta xin nghỉ việc để chuyển sang làm cho một công ty tư nhân. Ông sếp cũ có vẻ tiếc vì mất nhân viên, nhưng ngậm ngùi phân giải rằng rất quý cậu em tôi, nhưng lực bất tòng tâm vì cơ chế lương hành chính sự nghiệp là chung nên không thể...
Tôi cũng từng là một người có học lực khá, được trường giữ lại làm giảng viên. Tâm huyết lắm, nhưng gần 20 năm nay lương vẻn vẹn hơn 1 triệu đồng/tháng. Bây giờ tôi cũng nản lòng và tủi thân bởi học trò có em lương vài chục triệu đồng. Vâng, trải thảm đỏ nhưng bỏ mặc người đi trên thảm sống chết mặc bay có nên không? Kiến thức, tài năng của tuổi trẻ sẽ hoài phí nếu không có động lực giúp họ phát huy.
Người gửi: Văn Toán
Theo tôi, tuyển dụng nhân tài phục vụ cho dân cho nước, cho thủ đô là việc rất cần và nên làm triệt để. Nhân tài - thủ khoa mà không giúp ích cho dân, cho nước thì quả là lãng phí và đáng tiếc.
Theo chủ quan mà nói, đó là những người hiếu học và ưa thích việc nghiên cứu cho nên dù vào môi trường nào thì cũng phải đáp ứng được việc học tiếp sau đại học. Bên cạnh đó, nhân tài cần có cuộc sống đầy đủ về vật chất bởi với họ, tìm một công việc với mức lương cao là rất dễ.
Do vậy, việc các thủ khoa được giữ lại làm giảng viên, làm việc ở các viện nghiên cứu hoặc làm trong bộ máy hành chính sự nghiệp đều rất tốt. Nhưng trong bộ máy hành chính sự nghiệp, do họ còn quá trẻ và đó mới chỉ là có việc làm đúng chuyên môn nên chưa đủ sức để thu hút các thủ khoa.
Người gửi: Bờm
Chắc ai trong chúng ta cũng biết mục việc cần người, người cần việc trên các trang quảng cáo hằng ngày. Hà Nội cần làm một thống kê về các vị trí đang cần người cùng với những yêu cầu và tính chất cụ thể của công việc để gửi đến thủ khoa - những ứng viên tiềm năng.
Tốt nhất là mời các thủ khoa lên trao đổi về nguyện vọng làm việc rồi gửi thư mời làm việc khi thấy đạt yêu cầu. Khi nói đến tiền, chẳng ai muốn vào làm ở cơ quan Nhà nước. Vì vậy, để tìm được người có khả năng, cơ quan Nhà nước phải đưa ra được điều gì hấp dẫn hơn(khả năng được đào tạo, hướng phát triển nghề nghiệp...).
Nếu cứ làm việc kiểu ban phát (nộp đơn, sau đó chờ hai tháng...), sẽ chẳng có ai chờ được.