Tổng cục trưởng Ngô Quý Việt. Ảnh: Tiến Dũng.
- Ngày 15/11, tất cả các loại mũ bảo hiểm đưa ra thị trường phải có dấu CR, thay vì dấu CS như trước đây. Tại sao lại có sự chuyển đổi này?- Trước đây, chúng ta quản lý sản phẩm bằng tiêu chuẩn nên muốn gắn dấu CS, doanh nghiệp chỉ cần mang mũ đến một tổ chức thử nghiệm để thử rồi về tự sản xuất. Nhưng khi hội nhập quốc tế, do nước ngoài quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật còn tiêu chuẩn là tự nguyện nên Việt Nam cũng phải chuyển từ tiêu chuẩn bắt buộc sang thành quy chuẩn kỹ thuật.
Hầu hết các nước đều quản lý chất lượng mũ bảo hiểm bằng việc có một tổ chức thứ 3 đứng ra chứng nhận, không phải do bản thân doanh nghiệp tự gắn dấu lên sản phẩm. Tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định này sẽ kiểm tra quy trình sản xuất, quản lý của doanh nghiệp. Nếu đảm bảo thì mới cho gắn dấu CR lên mũ. Như vậy, quản lý sẽ chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, về mặt chất lượng, mũ gắn dấu CS hay CR nếu tuân thủ các quy trình về sản xuất thì chất lượng là như nhau, chỉ khác nhau ở quy trình quản lý.
- Trong thời gian tới, việc tồn tại 2 loại dấu sẽ khiến người tiêu dùng phân vân. Vậy, Tổng cục sẽ làm gì để giải tỏa băn khoăn này?
- Sau ngày 15/11, mũ bảo hiểm trên thị trường sẽ có dấu CS và CR nhưng doanh nghiệp nào chưa đăng ký chứng nhận hợp quy mà vẫn đưa sản phẩm ra thị trường là vi phạm. Do vậy, ngoài việc nhắc nhở doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký chứng nhận, các đoàn thanh tra sẽ tổng kiểm tra nơi bán mũ, nếu vi phạm quy định về gắn dấu, nhãn không rõ xuất xứ hàng hóa, dứt khoát phải tịch thu, xử lý theo quy định.
Bộ Khoa học Công nghệ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm kê tổng số mũ có dấu CS đang tồn tại ở các cơ sở kinh doanh, sau đó kiểm tra lại chất lượng để chuyển mũ này sang dấu CR. Chỉ một thời gian ngắn nữa, sẽ không còn tồn tại 2 loại dấu để người dân đỡ phân vân khi lựa chọn.
Các loại mũ bảo hiểm không đạt chất lượng. Ảnh: Tiến Dũng. |
- Người tiêu dùng đang sử dụng loại mũ có dấu CS sẽ không hợp chuẩn. Vậy, họ có tiếp tục được dùng loại mũ đó?
- Tôi đã nói, dấu CS hay CR đều đảm bảo chất lượng, nếu doanh nghiệp làm nghiêm chỉnh. Thế cho nên, ai đã mua mũ có dấu CS mà đảm bảo chất lượng thì cũng yên tâm sử dụng.
- Có doanh nghiệp sản xuất mũ cho rằng mũ thời trang cách điệu của họ đạt tiêu chuẩn và đã được cơ quan kiểm định chứng nhận, nhưng theo quy định thì lại không được dán dấu CR. Ông giải thích thế nào về vấn đề này?
- Đội mũ để bảo vệ đầu, nếu mũ đạt chất lượng và đẹp nữa thì tốt quá. Bộ Khoa học Công nghệ đã đề nghị Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng triển khai đề tài nghiên cứu xem ở Việt Nam có những loại mũ "thời trang cách điệu" nào, sau đó sẽ xem xét kiểu dáng phù hợp với người Việt Nam để đề nghị sản xuất. Trước mắt, khi chưa có yên tâm về an toàn của loại mũ này, tạm thời chưa cho phép tiếp tục sản xuất.
Hiện, nhiều loại mũ trên thị trường, dù có dấu CS nhưng vẫn không đạt chất lượng. Ảnh: Tiến Dũng. |
- Tổng cục yêu cầu doanh nghiệp tự chứng minh chất lượng nhưng phía doanh nghiệp cho rằng không có văn bản hướng dẫn cách thực hiện?
- Khi doanh nghiệp đưa một sản phẩm mới ra thị trường thì phải có trách nhiệm chứng minh cho người tiêu dùng và cơ quan nhà nước rằng sản phẩm đó an toàn. Người dân có thể sáng tạo nhưng trước tiên, phải nghĩ xem người sử dụng bị ảnh hưởng gì từ sản phẩm.
Cả nước hiện có 82 doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm (năm 2007, con số này là 125) nhưng đến ngày 10/11, mới có 51 doanh nghiệp đăng ký chứng nhận hợp quy, trong đó 14 doanh nghiệp đã hoàn tất việc chứng nhận hợp quy đối với 56 loại mũ. Theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN, không có khái niệm "mũ bảo hiểm thời trang". Trên thị trường chỉ có 2 loại mũ, đó là mũ bảo hiểm phù hợp quy chuẩn và không phù hợp quy chuẩn. Kết quả thanh tra mới nhất của Bộ Khoa học Công nghệ cho thấy, tất cả các loại mũ "thời trang" đều không đạt quy chuẩn và 66% mẫu mũ không đạt yêu cầu về ghi nhãn, không rõ xuất xứ. |
Tiến Dũng ghi