Từ ngày Phạm Văn Ngư, 60 tuổi bỏ hẳn thuốc lá, người dân thôn Đồng Xoài, xã Đại Đồng, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh dành nhiều lời khen cho ông. "Nhiều người bảo tôi phong độ, trẻ hơn so với tuổi thật, da dẻ hồng hào nữa. Các bà vợ trong xóm lấy tôi làm tấm gương cho chồng mình", ông Ngư nói.
Thói quen, nề nếp sinh hoạt của ông cũng thay đổi. Trước đây, buổi sáng sau khi vệ sinh cá nhân, ông Ngư ngồi nhâm nhi điếu thuốc. Hiện, người đàn ông 60 tuổi thay bằng hoạt động chạy bộ, sau ăn sáng sẽ thay đồng phục đến làm việc tại nhà máy gần nhà.

Ông Phạm văn Ngư cùng các cháu.
17 tuổi, ông Ngư biết đến thuốc lá cuộn mua ở Lạng Sơn. Ngày đó, chàng trai trẻ hút thuốc như nhóm đàn ông trong xóm, bản thân coi đó là thú vui và không nghĩ về tác hại với cơ thể khi sức khỏe đang độ "bẻ gãy sừng trâu". Theo thời gian, ông dần cảm thấy thuốc lá là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình.
Sau này, khi thuốc lá có dạng đóng gói, ông ước chừng hút khoảng hơn một bao mỗi ngày. Theo năm tháng, tần suất ông hút tăng lên, khoảng 2 bao một ngày. Ước tính, mỗi tháng ông Ngư chi 600.000 đồng cho việc mua thuốc lá, số tiền không nhỏ với những người "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".
Ông từng bỏ thuốc lá nhiều lần nhưng tái nghiện vì tiếp xúc với khói thuốc từ xung quanh, căng thằng, rảnh rỗi lại lôi ra sử dụng.
Việc nghiện thuốc lá gây nhiều trở ngại trong cuộc sống của ông. Có lúc đang đi làm, thậm chí trong bữa ăn, khi thèm thuốc lá, ông Ngư lại dừng mọi việc lại. Về sức khỏe, nhiều lần đi khám, bác sĩ cảnh báo, tình trạng cuống phổi ông đậm hơn, tiềm ẩn nguy cơ bệnh lý ở bộ phận này.

Thuốc lá có hại cho sức khỏe. Ảnh: Independent.
Tuy nhiên, lý do lớn thôi thúc ông cai thuốc là các cháu bên nội, ngoại. Nhiều lần, khi thấy ông Ngư hút, lũ trẻ nhăn mặt chạy đi kèm theo lời khuyên "ông bỏ thuốc lá đi, cô giáo con bảo hại sức khỏe lắm, ảnh hưởng đến những người xung quanh nữa", ông nhớ lại.
Bản thân biết thuốc lá có hại, nghĩ đến việc bỏ nhưng quyết tâm chưa cao, dường như, người lớn trong gia đình đã chấp nhận thói quen xấu của ông dù không yêu thích gì.
"Tôi thực sự quyết tâm dứt hẳn thứ độc hại này khi thấy mấy đứa cháu ho, tôi nghĩ khói thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe bọn trẻ. Nhiều khi mấy ông cháu chơi cùng nhau, khi lôi thuốc ra hút, để ý thấy chúng nhăn mặt chạy đi. Tương lai của bọn trẻ là điều khiến bản thân lưu tâm, tôi không muốn thói quen của mình ảnh hưởng đến chúng", ông Ngư cho biết.
Nghiêm túc với quyết định của mình, ông chủ động đọc thông tin, tham khảo lời khuyên của nhiều tấm gương cai thuốc lá thành công, đồng thời liên hệ tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá miễn phí 18006606 của Bệnh viện Bạch Mai để nhận hỗ trợ.
Trò chuyện, nắm tình hình, nguyện vọng của ông, các tư vấn viên hỗ trợ nhiệt tình. Mỗi khi thèm thuốc, thấy nhạt mồm, ông Ngư sẽ cắn một miếng quế cho tê lưỡi, sau đó nhai một viên kẹo cao su để quên cảm giác khó chịu.

Nhân viên tư vấn tại tổng đài cai nghiện thuốc lá miễn phí tại Bệnh viện Bạch Mai.
Lặp lại những mẹo nhỏ cùng với ý chí quyết tâm, đến nay tròn 3 năm ông Ngư không sử dụng thuốc lá. Hiện, ông ăn uống điều độ, tập thể dục điều độ nên sức khỏe tốt, tinh thần vui vẻ.
Ông Ngư tâm sự, với người nghiện thuốc lá lâu năm việc bỏ thuốc không hề đơn giản nhưng nếu quyết tâm thì chắc chắn sẽ thành công. Ngoài ra, người cai thuốc lá cũng cần kiên trì, nghị lực, bản lĩnh, không nên thử hút thuốc lá lại.
Theo thống kê của WHO, trên thế giới, 90% bệnh nhân bị bệnh phổi có liên quan đến thuốc lá. Đây cũnglà nguyên nhân khiến 73% số ca tử vong (chủ yếu ở các nước có thu nhập trung bình, thấp). Nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời thì trong thế kỷ 21, tổng số ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá sẽ tới một tỷ người.
Tại Việt Nam, theo thống kê của các bệnh viện, 96,8% các ca bệnh nhân bị bệnh phổi do thuốc lá gây ra. Người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 22 lần so vói người bình thường, cứ 5 người hút thuốc thì có một người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khó chữa trị.
Ngọc Thi