Gia đình phi truyền thống gồm các hình thức như bố, mẹ đơn thân hoặc ly hôn, cho hoặc nhận con nuôi, đồng tính... Ngay cả khi bạn đang sống trong một gia đình bình thường, con cái vẫn có thể đặt câu hỏi về những gia đình phi truyền thống. Do đó, hãy luôn sẵn sàng và chuẩn bị những câu trả lời tinh tế, phù hợp với nhận thức của trẻ. Được nghe lời giải đáp từ bạn vẫn tốt hơn là trẻ tìm câu trả lời sai lệch từ bạn bè hoặc những người lớn ác ý.
Việc hiểu về gia đình phi truyền thống sẽ giúp trẻ đồng cảm với những đứa trẻ lớn lên từ đó. Nếu được nuôi dưỡng trong những gia đình này, khi được giải thích, trẻ cũng cảm thấy hiểu rõ về nguồn gốc và tự hào về gia đình mình hơn.
Gia đình nhận và cho con nuôi
Với trẻ mầm non, bạn có thể nói: "Đôi khi, người lớn không thể chăm sóc con cái nên họ tìm một gia đình khác để yêu thương và chăm sóc các em". Tuy nhiên, sau khi nói điều này, bạn cần đảm bảo với trẻ rằng gia đình có khả năng chăm sóc chúng bởi trẻ có thể lo lắng việc mình bị cho đi làm con nuôi.
Khi đề cập chuyện này với trẻ tiểu học, bạn nên thêm một chút thông tin và giải thích rõ hơn: "Trong vài trường hợp, bố mẹ bàn bạc với nhau và đặt đứa trẻ vào một gia đình có khả năng chăm sóc tốt hơn. Gia đình này rất vui mừng khi trở thành bố mẹ của đứa trẻ và sẽ yêu thương chúng thật nhiều".
Nếu trò chuyện với thanh thiếu niên, bạn nên giải thích càng cụ thể càng tốt. Chẳng hạn: "Trẻ sơ sinh có thể cần gia đình mới vì nhiều lý do, nhưng thường là vì bố mẹ quá trẻ hoặc già yếu để chăm sóc con cái. Đôi khi, một biến cố xảy ra trong cuộc sống của họ cũng khiến gia đình mất đi điều kiện nuôi dạy trẻ nhỏ. Do đó, đứa trẻ sẽ được cho và nhận nuôi ở một gia đình khác tốt hơn". Khi kết thúc phần giải thích, đừng quên hỏi thêm "Con có câu hỏi nào hoặc còn điều gì thắc mắc nữa không?", bởi trẻ ở độ tuổi này rất tò mò.
Gia đình chuyển giới
Việc giải thích về các gia đình chuyển giới có phần phức tạp hơn do trẻ chưa có nhiều hiểu biết về mặt giới tính, sinh học. Với trẻ mầm non, bạn có thể tham khảo cách diễn đạt sau: "Một số người cảm thấy mình giống con trai, một số lại thấy giống con gái và vài người lại không cảm thấy giống bất kỳ ai. Nhưng dù họ thấy thế nào về vẻ bề ngoài, họ vẫn luôn dành rất nhiều tình yêu cho con cái".
Nếu trẻ đang ở tiểu học, thông tin được cung cấp có thể tường minh hơn một chút. Ví dụ: "Đôi khi mọi người có giới tính không phù hợp với cơ thể của họ, vì vậy họ sống như một người khác giới hoặc không theo giới tính nào cả. Tuy nhiên, điều đó không thay đổi cách họ yêu con mình".
Trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên bắt đầu được học về giới tính trên trường, do đó bạn có thể giải thích cho trẻ theo khía cạnh khoa học rõ ràng hơn: "Giới tính hoặc bộ phận sinh dục của một người khác bản dạng giới của họ. Một số người được xác định là nam, số khác là nữ, một số cả hai và một số không mang giới tính nào. Thế nhưng họ vẫn là cha mẹ và dành tình yêu cho con cái của mình".
Gia đình đồng tính
Nếu muốn nói về những gia đình mà các thành viên cùng là nam hoặc nữ, một số cách giải thích sau sẽ phù hợp: "Gia đình có thể đến từ nhiều sự kết hợp, chẳng hạn hai người mẹ hoặc hai ông bố. Gia đình của họ cũng luôn tràn đầy tình yêu thương như chúng ta".
Thanh Hằng (Theo Parents)