Thị xã Đông Triều nằm ở cửa ngõ phía Tây tỉnh Quảng Ninh, cách Hạ Long 78 km, cách Hà Nội 90 km. Với 2 ngày nghỉ xuất phát từ Hà Nội, Đông Triều là điểm đến lý tưởng cho những chuyến du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh của du khách Việt.
Ngày 1: Du lịch sinh thái ở làng quê Yên Đức
Yên Đức nằm cách Hạ Long 60 km, mất khoảng 3 tiếng rưỡi di chuyển từ trung tâm thành phố Hà Nội.
Đến với Yên Đức, du khách sẽ được thưởng thức không gian yên bình với những cánh đồng lúa xanh bát ngát, ao hồ, vườn tược gợi hình ảnh làng quê Việt khi xưa. Nơi đây còn có những di tích văn hóa lịch sử đặc sắc như chùa Cảnh Huống, núi Canh, hang 73…
Khung cảnh thanh bình ở làng quê Yên Đức. |
Điểm thu hút nhất của Yên Đức có lẽ là trải nghiệm một ngày làm nông dân, trồng rau, bắt cá bằng nơm, giã gạo, xay lúa… xem múa rối nước và thưởng thức sản vật địa phương như chả rươi, xôi nếp cái hoa vàng, cá ngần, bánh gật gù…
Ngày 2: Đền An Sinh - Đền Thái - Chùa Am Ngọa Vân
Đền An Sinh
Đền trước vốn là điện An Sinh, được xây dựng dưới thời Trần (năm 1381) và trùng tu, tôn tạo nhiều lần dưới thời Trần, Lê, Nguyễn. Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử, điện An Sinh chỉ còn là những phế tích.
Đền An Sinh ngày nay thuộc xã An Sinh, cách ngã tư Đông Triều 5,5 km. Đây là nơi thờ phụng 8 vị vua nhà Trần có lăng mộ tại vùng đất An Sinh - Đông Triều, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lễ hội Đền An Sinh hàng năm diễn ra từ ngày 20 đến 22/8 Âm lịch, thu hút hàng nghìn lượt du khách thập phương về đây thăm quan, chiêm bái.
Nơi đây trồng hai hàng cây đại, tượng trưng cho các vị vua triều Trần. Đồng thời đền còn có không gian trưng bày một số di sản văn hóa tiêu biểu của nhà Trần được tìm thấy tại các di tích ở Đông Triều như bãi đá cổ, chậu gốm cho vua dùng…
Khuôn viên đền An Sinh. |
Đền Thái
Đền Thái (còn gọi là Thái Miếu), cách đền An Sinh khoảng 3 km về phía Đông. Thái Miếu nằm trên một quả đồi thấp thuộc thôn Trại Lốc, xã An Sinh. Đây là di tích quan trọng, khẳng định Đông Triều là quê gốc của nhà Trần.
Khi được vua Trần Thái Tông phong vương và cấp đất thang mộc tại An Sinh, An Sinh vương Trần Liễu đã cho xây dựng Thái Miếu để làm nơi thờ cúng tổ tiên và thượng hoàng Trần Thừa. Khi các vua Trần chọn An Sinh là nơi xây dựng lăng tẩm, bài vị của các vua Trần cũng được thờ ở đây.
Trải qua thời gian, những công trình kiến trúc của Thái Miếu được xây dựng dưới thời Trần đã bị phá hủy hoàn toàn. Đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, trên vị trí trước đây là Thái Miếu một ngôi đình được dựng lên, gọi là Đình Đốc Trại. Với tư cách là Tổ Miếu hay Thái Miếu của nhà Trần ở quê gốc An Sinh, đền Thái được đánh giá là di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích lăng tẩm đền miếu và chùa tháp của nhà Trần tại Đông Triều.
Chùa, Am Ngọa Vân
Rời đền Thái du khách tiếp tục hành trình đi thăm chùa, am Ngọa Vân. Nằm trong tuyến du lịch tâm linh di tích nhà Trần, chùa, am Ngọa Vân là nơi Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, nhập cõi niết bàn, hóa Phật nên được coi là Thánh địa và là một quần thể kiến trúc chùa tháp lớn của Thiền phái Trúc Lâm.
Tích xưa kể lại rằng, sau khi Trần Nhân Tông hóa Phật, đệ tử Pháp Loa (Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm) cho hỏa thiêu Ngài ngay tại Ngọa Vân, thu được hàng nghìn viên xá lỵ, ngọc cốt. Một phần xá lỵ của Ngài được tôn trí trong Phật hoàng tháp tại am Ngọa Vân, một phần được đưa đi tôn trí ở nhiều nơi khác như Đức Lăng, tháp Phổ Minh... Thánh địa Ngọa Vân sau đó cũng được Pháp Loa cho xây dựng và mở rộng thành một quần thể chùa tháp lớn. Từ đó về sau, quần thể chùa tháp Ngọa Vân không ngừng được mở rộng.
Lên Ngọa Vân, du khách sẽ được trải nghiệm tuyến cáp treo dài hơn 2 km, với 2 nhà ga và 53 cabin sức chứa 10 người. Giá cáp treo khứ hồi là 180.000 đồng, một chiều là 100.000 đồng.
Trên đỉnh non cao, bạn sẽ được trải nghiệm không gian linh thiêng, tĩnh tại, nơi đất trời giao thoa làm một. |
Lễ hội xuân Ngọa Vân được tổ chức hằng năm, kéo dài suốt mùa xuân, từ mùng 9 tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch.
Chùa Hồ Thiên
Kết thúc chuyến hành trình du khách sẽ đi thăm chùa Hồ Thiên. Chùa được Pháp Loa cho xây dựng vào năm 1327. Tên gọi chùa Hồ Thiên nghĩa là ngôi chùa được xây dựng ở nơi cảnh phật, cõi tiên.
Tương truyền, Hồ Thiên là nơi các vị cao tăng tu luyện sau khi hoàn thành xuất sắc khóa học tại Quỳnh Lâm viện. Dưới thời Lê Trung Hưng, chùa Hồ Thiên được triều đình nhà Lê cho đại trùng tu, tôn tạo với quy mô các công trình lớn như: Chùa chính, nhà tăng, nhà tổ, vườn tháp và nhà bia.
Nằm cách khu chùa chính khoảng 100 m về phía Đông là nhà bia, kiến trúc đá xanh hết sức độc đáo. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa Hồ Thiên còn có tháp 7 tầng cùng nhiều di vật kiến trúc khác. Hành hương về chùa Hồ Thiên, du khách có dịp được hòa mình vào không gian đẹp, cùng chiêm tưởng lại con đường tu tập của các bậc cao tăng thời Trần.
Sáng 26/3, thị xã Đông Triều công bố 14 điểm du lịch và 4 tuyến du lịch được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận. Theo đó, 4 tuyến du lịch gồm: Tuyến du lịch tâm linh di tích nhà Trần, tuyến du lịch tâm linh kết hợp sinh thái, tuyến du lịch khám phá miền quê Đông Triều, tuyến du lịch Đệ tứ chiến khu Đông Triều Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, Đông Triều có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch. Trong thời gian tới, thị xã cần lắp đặt các biển báo hệ thống chỉ dẫn các tuyến, điểm du lịch; tổ chức đào tạo hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các điểm; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, tuyên truyền quảng bá giới thiệu du lịch Đông Triều. Đối với các doanh nghiệp, công ty lữ hành tiếp tục xây dựng gói sản phẩm du lịch phù hợp, tạo sự gắn kết với du lịch các vùng miền trong tỉnh và khu vực. |
Lê Na