BS.CKI Trần Đông Hải, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chia sẻ, các nguyên tắc đo lường chuẩn hóa và thực đơn mẫu cho người bệnh tiểu đường bao gồm:
Nguyên tắc 1/4 (đĩa thức ăn kích thước khoảng 25 cm): Tinh bột (cơm, phở, hủ tiếu, bún, mì, bánh mì, ngô, khoai...) nên chiếm 1/4 đĩa thức ăn. Thành phần đạm (thịt, cá, tàu hủ...) chiếm 1/4 đĩa. Chất béo (dầu ăn, mỡ, bơ, phô mai...) khoảng một muỗng nhỏ khoảng 2 ml. Thành phần xơ (rau các loại) chiếm 1/2 đĩa.
Thực đơn mẫu: Không có một chế độ ăn áp dụng chung cho mọi người bệnh tiểu đường mà cần xây dựng chế độ ăn thích hợp cho từng cá nhân. Chế độ ăn riêng cho từng cá nhân phụ thuộc vào các yếu tố như: người bệnh béo hay gầy; tình trạng bệnh lý (đường máu, lipid máu); tính chất lao động, thói quen ăn uống hàng ngày; nồng độ insulin, thuốc hạ đường máu đang sử dụng.
Thiết lập mức năng lượng tùy theo cá nhân: Để giảm trọng lượng, người béo cần duy trì mức năng lượng vào khoảng 20-25 kcal trên một kg mỗi ngày. Những người duy trì thể trọng, có mức lao động nhẹ và vừa ở mức 30-35 kcal trên một kg mỗi ngày. Mức năng lượng dành cho người gầy cần tăng trong lượng, lao động nặng khoảng 35-40 trên một kg mỗi ngày.
Tính toán năng lượng: Một gam chất đạm cung cấp 4 kcal, một gam lipid cung cấp 9 kcal. Người bệnh nên ăn uống đủ năng lượng, tập thể dục đều đặn (ít nhất 30 phút một ngày); sử dụng thuốc, kiểm tra đường huyết thường xuyên với sự hướng dẫn của bác sĩ. Theo bác sĩ Đông Hải, người bệnh tiểu đường có thể sống vui khỏe như những người bình thường khác nếu biết cách kiểm soát tốt đường huyết.

Người bệnh tiểu đường nên ăn nhiều rau củ quả, hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất bột đường. Ảnh: Freepik
Bác sĩ Đông Hải giải đáp những thắc mắc thường gặp của người bệnh tiểu đường về cách lựa chọn, liều lượng các loại thực phẩm.
Chọn trái cây: Người bệnh tiểu đường nên chọn các loại trái cây có chỉ số đường huyết (GI) thấp vì chúng chứa nhiều đường fructose, nhiều chất xơ, các loại vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Người bệnh tiểu đường type 2 có thể ăn bất kỳ loại trái cây nào (nếu không bị dị ứng) nhưng phải phù hợp với lượng carbohydrate trong kế hoạch thực phẩm hàng ngày, ăn vừa đủ, tránh ăn một lượng lớn trái cây ngọt cùng lúc.
Ăn nhẹ giữa các bữa: Nếu người bệnh đang điều trị bằng insulin hoặc một số loại thuốc trị tiểu đường có nguy cơ bị hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp) thì có thể ăn nhẹ giữa các bữa ăn. Mục đích là để duy trì lượng đường trong máu ổn định. Những món ăn nhẹ này nên chứa một số tinh bột. Tuy nhiên, ăn vặt thường xuyên có thể gây khó khăn cho việc duy trì cân nặng khỏe mạnh, ảnh hưởng đến kiểm soát bệnh tiểu đường.
Liều lượng muối phù hợp: Nội mạc mạch máu của bệnh nhân tiểu đường rất nhạy cảm với muối so với người bình thường vì thế nguy cơ tăng huyết áp khi sử dụng nhiều chất muối, ngay cả giai đoạn tiền tiểu đường.
Theo bác sĩ Đông Hải, lượng muối tiêu thụ mỗi ngày nên dưới 2.300 mg một ngày. Giảm hơn nữa lượng muối ăn vào khoảng 1.500 mg một ngày (khoảng 1/2 thìa cà phê muối hoặc một thìa nước mắm nhỏ) có thể có lợi cho người bị hạ huyết áp trong một số trường hợp. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác khuyến cáo người bệnh có bệnh tăng huyết áp đi kèm nên thận trọng khi hạn chế muối đến 1.500 mg một ngày.
Dùng sữa và sản phẩm từ sữa: Bệnh nhân tiểu đường vẫn có thể uống được sữa, dùng các thực phẩm chế biến từ sữa. Tuy nhiên, dùng những loại sữa không đường hay các loại sữa được chế biến riêng cho người bệnh tiểu đường sẽ tốt hơn. Ăn một hũ yaourt không đường trước bữa ăn có thể giảm sự hấp thu chất bột đường, ít làm tăng đường huyết sau ăn.
Thói quen uống sữa trước khi đi ngủ nên bỏ; có thể uống sữa được vào buổi sáng (điểm tâm) hay buổi trưa. Vào những ngày mệt mỏi hay bị ốm, người bệnh có thể dùng những loại sữa đóng hộp sẵn thay thế bữa ăn (với năng lượng tương đương); có thể ăn cháo, mì, bánh mì.

Các loại sữa từ hạt có lợi cho sức khỏe người bệnh tiểu đường. Ảnh: Freepik
Thực phẩm hạn chế hoặc không nên ăn: Thức ăn từ phủ tạng động vật, thực phẩm chế biến sẵn như: xúc xích, lạp xưởng, thịt nguội góp phần ảnh hưởng tới sức khỏe. Một số loại như: nước ngọt, nước mía, bánh kẹo ngọt chỉ nên sử dụng cho trường hợp cấp cứu hạ đường huyết.
Lượng nước mỗi ngày: Trong cơ thể người lớn khoảng 40-50% là nước, còn trẻ em 60-80%. Nước có khả năng cung cấp nguồn chất khoáng, vận chuyển chất dinh dưỡng cần thiết và nuôi dưỡng tế bào cho các hoạt động trong cơ thể. Người bệnh nên uống đủ nước, uống nước đun sôi để nguội là tốt nhất. Công thức tính: Trọng lượng cơ thể : 0,03 = số nước cần uống một ngày (ml).
Hạn chế uống rượu bia: Người bệnh tiểu đường không hẳn cấm rượu bia tuyệt đối mà vẫn có thể uống được nhưng ở trong khoảng cho phép. Theo cách tính của Tổ chức Y tế thế giới, một đơn vị tiêu chuẩn (khoảng 10 g cồn (ethanol) nguyên chất) chứa trong dung dịch uống sẽ tương đương một chén rượu dung tích 30 ml, một ly rượu vang 100 ml, một ly bia hơi 330 ml, 2/3 chai hoặc lon bia 5 độ 330 ml.
Nguyên tắc đo lường rất quan trọng trong chế độ ăn cho người tiểu đường để điều chỉnh lượng đường trong máu, tránh những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tim mạch, thận, thần kinh, mắt... Người bệnh tiểu đường nên gặp bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường để được hướng dẫn chế độ ăn hợp lý, điều trị hiệu quả hơn.
Mai Hoa