Thị trường bán lẻ Việt Nam thu hút dự chú ý của các doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản. Ảnh: Hoàng Hà. |
Sau 9 phiên đàm phán, VJEPA đã được ký kết ngày 25/12 tại Tokyo, Nhật Bản. Hiệp định có hiệu lực từ nửa đầu năm 2009 và kéo dài trong 10 năm. Đây là nền tảng chắc chắn để hình thành một khu vực tự do song phương giữa hai nước.
Khi hiệp định đi vào thực thi, sẽ có nhiều mặt hàng Việt Nam xuất sang Nhật Bản được hưởng thuế suất 0% và ngược lại. Lượng hàng Việt Nam được hưởng thuế 0% chiếm gần 95% kim ngạch xuất khẩu bình quân sang Nhật Bản thời kỳ 2004-2006. Bên phía Nhật Bản, con số này sẽ là 87,66%. Thủy sản, nông sản, dệt may, sắt thép, hóa chất, linh kiện điện tử của Việt Nam được miễn giảm thuế nhiều nhất. Trong khi đó hàng công nghiệp của Nhật Bản như đồ điện tử, phụ tùng ôtô xuất sang Việt Nam sẽ là đối tượng đầu tiên được miễn thuế.
Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã để ý đến những ưu đãi này, nhất là sau thời điểm 1/1/2009, khi các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được phép tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam. Ông Mitsuo Sakaba, đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết các công ty bán lẻ Nhật rất quan tâm đến thị trường Hà Nội và TP HCM. Một số hãng đang xem xét khả năng thâm nhập thị trường. Hiện chưa có công ty bán lẻ 100% vốn Nhật Bản nào xin cấp quyền kinh doanh tại Việt Nam. Ông Sakaba cho biết sau ba năm nữa các tập đoàn này có thể tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam.
Trong lễ công bố ký kết Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản hôm qua 30/12, ông Phan Thế Ruệ, Trưởng ban đàm phán VJEPA bên phía Việt Nam cho biết lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước luôn cân bằng suốt 5, 6 năm qua. Năm 2008 thương mại hai chiều ước đạt 16 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dự kiến tăng 30% lên 8 tỷ USD.
Ông Phan Thế Ruệ nhận định khi VJEPA đi vào thực thi, lượng xuất nhập khẩu hai nước vẫn sẽ không có nhiều chênh lệch. Tuy hiệp định sẽ khiến cho hàng công nghiệp của Nhật Bản xuất hiện nhiều ở Việt Nam, nhưng ngược lại hàng nông sản Việt Nam cũng dễ dàng hơn khi tìm đường vào thị trường nước này.
Thị trường Nhật Bản lâu nay nổi tiếng kỹ tính, và khả năng cũng như kinh nghiệm tiếp cận thị trường của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Nhưng ông Phan Thế Ruệ khẳng định hàng hóa Việt Nam vẫn có chỗ đứng nếu sản xuất, vận chuyển tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật. Ông khuyên các doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ nội dung của hiệp định, nắm bắt từng điều khoản một.
Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản không chỉ đem lại cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất hàng sang Nhật, mà còn mang lại lợi ích cho chính người tiêu dùng trong nước. Hàng hóa Nhật Bản xuất hiện nhiều trên thị trường với mức giá rẻ hơn, nên người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn. Họ cũng được hưởng lợi từ sự cạnh tranh giữa hàng hóa Việt Nam và Nhật Bản, từ đó chọn lựa ra những sản phẩm giá cả hợp lý, chất lượng tốt.
Thanh Bình