Thứ sáu, 16/12/2016, 16:50 (GMT+7)
Thứ sáu, 16/12/2016, 16:50 (GMT+7)

Việt Nam thiết lập quan hệ quốc phòng với 80 nước sau Đổi mới

Từ Đại hội Đảng VI năm 1986, Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng ở các cấp độ khác nhau với hơn 80 nước

Sáng 16/12, Bộ Quốc phòng tổ chức hội thảo "30 năm đổi mới quân sự quốc phòng, thành tựu và kinh nghiệm" với sự tham gia của nhiều diễn giả là các tướng lĩnh quân đội.

viet-nam-thiet-lap-quan-he-quoc-phong-voi-80-nuoc-sau-doi-moi

Hội thảo có sự tham gia của nhiều tướng lĩnh quân đội. Ảnh: Đăng Tiến.

Hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của công cuộc đổi mới sau Đại hội VI cách đây 30 năm. Cùng với đổi mới kinh tế là công cuộc đổi mới quân sự, quốc phòng. Mục tiêu bảo vệ Tổ quốc mở rộng và cụ thể hơn.

Nếu trước đây, nhiệm vụ của quốc phòng là bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, ngăn chặn âm mưu của kẻ thù, thì Đại hội lần IX (2001) đã bổ sung thêm "bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN", tức là bảo vệ sự nghiệp đổi mới và đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết.

Lĩnh vực quốc phòng có nhiều điều chỉnh chiến lược lớn, như bố trí lại lực lượng trên cả nước, tạo ra thế trận phòng thủ hợp lý, tăng khả năng phòng thủ ở những vùng trọng điểm, xây dựng nhiều tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ; giảm biên chế quân thường trực...

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng cho hay, trong quan hệ đối ngoại quốc phòng Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu lớn. "Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng ở các cấp độ khác nhau với hơn 80 nước", ông thông tin.

viet-nam-thiet-lap-quan-he-quoc-phong-voi-80-nuoc-sau-doi-moi-1

Các sĩ quan Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình thế giới tại Nam Sudan và Trung Phi. Ảnh: Việt Anh.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Bạo, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho nhận định, có nhiều tình huống trước đây Việt Nam xác định quan hệ bạn - thù thì nay xác định là đối tác, đối tượng, coi trọng lợi ích quốc gia dân tộc. "Sự xác định ấy theo tinh thần thêm bạn, bớt thù", tướng Bạo nhấn mạnh.

Trong lĩnh vực quốc phòng, Việt Nam hiện là thành viên tích cực, có trách nhiệm của các diễn đàn như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).

Đặc biệt, năm 2014, lần đầu tiên quân đội Việt Nam cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, tạo bước đột phá trong quan hệ đối ngoại lẫn quốc phòng. Việt Nam đã thiết lập cơ quan tùy viên quốc phòng tại 32 quốc gia và 45 nước đặt cơ quan tùy viên quốc phòng hoặc kiêm nhiệm tại Việt Nam.

Hoàng Phương

 
Chia sẻ bài viết qua email