Thứ năm, 29/12/2016, 11:31 (GMT+7)
Thứ năm, 29/12/2016, 11:31 (GMT+7)

Phó chủ tịch Quốc hội: 30 năm Đổi mới là một kỳ tích

Đánh giá cao những thành tựu đất nước đạt được trong 3 thập kỷ qua, ông Phùng Quốc Hiển cũng chỉ ra nhiều thách thức cũng như nhu cầu tiếp tục đổi mới toàn diện đời sống kinh tế - xã hội hiện nay.

- Năm 2016 khép lại cũng là thời điểm Việt Nam đánh dấu 3 thập kỷ đổi mới. Nhìn lại những thành quả đạt được, ông có suy nghĩ gì?

- Công cuộc Đổi mới chính thức bắt đầu Đại hội Đảng VI diễn ra năm 1986, khi đất nước trong bối cảnh cực kỳ khó khăn. Thực tế khi ấy thế nào thì nhiều ý kiến, bài viết đã phản ánh. Tôi nhớ lúc đó Nhà nước chỉ cho doanh nghiệp làm gì, làm bao nhiêu sản phẩm, “tự cung, tự cấp”, không có sự giao lưu hàng hoá giữa các địa phương; mọi nhu yếu phẩm chỉ được phân phát theo quy định. Thế nên mới có chuyện lẩy Kiều: “bắt phong trần phải phong trần, cho may ô mới được phần may ô”.

pho-chu-tich-quoc-hoi-30-nam-doi-moi-la-mot-ky-tich

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để tiếp tục tinh thần đổi mới được vạch ra 30 năm trước. Ảnh: P.V

Tất nhiên giai đoạn đầu đã gặp những vấp váp, nhưng từ năm 1990 trở đi thì đời sống nhân dân, nền kinh tế đã có những thay đổi nhanh chóng. Nếu năm 1976, Việt Nam ước ao đạt được 21 triệu tấn lương thực, có đủ thực phẩm cho dân đỡ đói thì đến nay đã làm được 47 triệu tấn một năm, không những đủ cung ứng nhu cầu trong nước mà còn thừa để xuất khẩu. Từ những chuyển đổi mạnh trong nông nghiệp, rồi công nghiệp và lan toả sang lĩnh vực dịch vụ, thương mại.

Sau đổi mới, tăng trưởng kinh tế luôn ở mức rất cao, 30 năm qua bình quân tăng trưởng 6,6% một năm, có năm đạt trên 8,4%... Thu nhập bình quân đầu người từ chỗ chỉ 100 USD trước Đổi mới, giờ đã tăng lên trên 2.109 USD. Cùng với đó là tháo gỡ rào cản về pháp lý, tạo mọi điều kiện cho các tầng lớp dân cư, thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh. Bộ mặt nền kinh tế, đời sống người dân thay đổi rõ rệt.

Có thể nói 30 năm đổi mới là một kỳ tích, có ý nghĩa lịch sử quan trọng với sự phát triển của đất nước. Cũng có những vấp váp, khó khăn nhưng Việt Nam đã đi đúng hướng khi tinh thần xuyên suốt là “đổi mới hay là chết”. Và cũng nhờ độc lập, tự chủ về kinh tế nên đến nay đất nước đã có vị thế quan trọng trong khu vực và thế giới.

- Trải qua thực tế từ địa phương đến Trung ương, ông thấy đâu là khó khăn lớn nhất với những người "làm Đổi mới"?

 - Những bệnh tật dễ mắc phải của một đảng cầm quyền thì các nhà cách mạng tiền bối như Lenin, Hồ Chí Minh đều đã chỉ ra như: chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa kinh nghiệm, bệnh giáo điều, kiêu ngạo cộng sản... Tất cả các thứ bệnh tật đó đều phải đấu tranh để loại bỏ nó, để có thể xây dựng một chính đảng chân chính. Đại hội Đảng VI đã vượt qua tất cả để Đổi mới.

Nghị quyết Đại hội Đảng VI đặt ra vấn để đổi mới tư duy, chuyển từ kinh tế tập trung bao cấp sang tư duy vận hành kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Kiến thức mà chúng tôi được đào tạo trước đó hoàn toàn theo mô hình quản lý cũ chứ không được tiếp cận với những tư duy mới, như quan điểm kinh tế thị trường của Adam Smith, hay lý thuyết của Kein... Vì thế bản thân là những cán bộ ở cấp thực hiện ở địa phương, chúng tôi khi ấy cảm thấy vô cùng ngỡ ngàng với những quyết sách, tư tưởng đổi mới mang tính đột phá mà các lãnh tụ như Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh đưa ra.

Tôi còn nhớ mãi kỷ niệm khi còn là cán bộ công tác tại tỉnh, chúng tôi đều phải đi tới những địa phương như Hải Phòng, Vĩnh Phúc... - những cái nôi Đổi mới về kinh tế thị trường trong công nghiệp, nông nghiệp, để tận mắt xem, học và rút kinh nghiệm.

Chuyển từ tư duy cũ sang tư duy mới cũng khó khăn giống như chúng ta nhấc lưỡi cày từ ruộng cũ sang ruộng mới. Đó là sự vượt qua chính mình. Tôi rất cảm động khi nhớ lại những gì đã trải qua của thời kỳ đó, những điều mà có thể thế hệ trẻ bây giờ sẽ khó mà cảm nhận được. Nhưng là người trong cuộc, chứng kiến và trả qua sự chuyển giao giữa cái cũ và mới, hơn ai hết chúng tôi rất thấm thía, thấu hiểu.

Không đổi mới giáo dục sẽ mãi đi theo “đường mòn lối cũ”

- So với những tư tưởng, mục tiêu đề ra, ông thấy quá trình Đổi mới còn những điều gì chưa đạt tới?

- Bên cạnh những thành tựu lớn mang tầm vóc lịch sử về kinh tế đất nước, chúng ta cũng còn nhiều điều cần rút kinh nghiệm. Lẽ ra Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng cao hơn, vững chắc hơn nếu phát triển giáo dục, văn hoá xứng tầm với phát triển kinh tế.

Tôi cho rằng, điều kiện học tập, tiếp cận văn hoá hiện giờ đã thuận lợi hơn trước rất nhiều nhưng nền giáo dục bây giờ cũng còn những hạn chế. Phải nói rằng đào tạo, giáo dục thời kỳ bao cấp vô cùng trong sáng, công bằng, tạo cho con người sống có nhân cách, lý tưởng... Sự phát triển giáo dục, văn hoá hiện chưa ngang tầm, tương xứng với phát triển kinh tế. Đó là điều tôi cho rằng đáng tiếc nhất. Muốn chấn hưng đất nước thì phải thay đổi nền giáo dục.

- Như ông nói thì nền giáo dục cần phải đổi mới ra sao?

- Trước tiên, chúng ta phải đào tạo đội ngũ có đủ trình độ, đáp ứng được yêu cầu quá trình hội nhập. Chỉ khi nào nguồn lao động tri thức được coi như một tài nguyên thì mới thành công. Trong cuộc đổi mới với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 thì những yếu tố như vốn, tài nguyên, lao động giá rẻ... trước vốn được coi là lợi thế của Việt Nam sẽ không còn. Nếu trước đây dòng vốn đầu tư từ nước phát triển được rót sang nước đang phát triển để tranh thủ tài nguyên, lao động... để đầu tư thì tới đây sẽ ngược lại. Dòng vốn sẽ “chảy” tới nơi có nguồn tài nguyên trí thức, trình độ cao. Nếu chúng ta không thay đổi căn bản nền giáo dục thì chấn hưng đất nước sẽ khó khăn.

Yêu cầu Đổi mới lần 2 và 4 lực cản phía trước

- Bối cảnh mà ông nêu ở trên cũng là lý do khiến nhiều người kỳ vọng vào một cuộc Đổi mới lần thứ 2. Ông nghĩ gì về điều này?

- Chúng ta đã đổi mới tư duy rồi thì phải đổi mới nữa, nhất là tư duy về kinh tế. Từ chỗ giải phóng sức sản xuất, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia, giờ chúng ta có quyền lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng nhu cầu phát triển, với nguyên tắc sử dụng vốn hiệu quả, tài nguyên tiết kiệm, bảo vệ môi trường. Nhà đầu tư nào không đáp ứng nhu cầu thì phải loại bỏ, đó là thay đổi căn bản. Chúng ta cũng đừng mong, đừng trông chờ vào nguồn lao động sử dụng chân tay, cơ bắp, thủ công... mà lúc này chính trí tuệ sẽ quyết định thành công hay không.

Vừa qua, Nghị quyết Trung ương 4 đã đưa ra quyết sách đổi mới mô hình tăng trưởng, từ phát triển theo chiều rộng bằng gọi vốn đầu tư, tài nguyên, lao động rẻ... chuyển sang phát triển vừa rộng vừa sâu, mà sâu là chủ yếu. Nghĩa là Việt Nam sẽ chuyển sang mô hình phát triển kinh tế dựa vào sử dụng vốn có hiệu quả, tài nguyên tiết kiệm và lao động trình độ tay nghề cao, đi liền với đó là bảo vệ môi trường.

Theo tôi, sau giai đoạn này, chúng ta cần thêm một giai đoạn nữa, đó là kinh tế đất nước phải dựa chủ yếu vào nguồn tài nguyên tri thức và đi theo nền kinh tế tri thức thông minh. 

Như vậy phải có 3 giai đoạn: Giai đoạn chúng ta đã trải qua rồi thì không nên kéo dài thêm nữa, mà phải chuyển sang giai đoạn thứ 2. Làm tốt giai đoạn 2 mà tôi nói ở trên thì ở giai đoạn 3 kế tiếp mới xây dựng được mô hình tăng trưởng kinh tế phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.

- Để thực hiện cuộc Đổi mới cách đây 30 năm, Việt Nam đã phải trải qua cuộc giằng co về tư duy. Trở ngại lần này là gì thưa ông?

 

- Tôi cho rằng có 4 thách thức mà chúng ta phải vượt qua. Trước mắt đó vẫn là cuộc giằng co giữa cách làm cũ và mới, giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, giữa lợi ích nhóm và lợi ích chung của đất nước. Đơn cử, khi xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao thì chúng ta có dám đưa ra chính sách kiên quyết nói “không”, cấm nhập hoá chất độc hại môi trường không?

Kế tiếp là lao động. Nếu vẫn cứ mãi duy trì chỉ 21% lao động được đào tạo chứng chỉ 3 tháng trở lên thì nguồn tài nguyên này có đáp ứng được nhu cầu đổi mới hay không?

Thứ 3 là môi trường đã đến tới hạn. Chỉ ví dụ chuyện xử lý rác thải tại các làng quê, làng nghề, thành phố... sẽ thế nào? Vẫn sẽ sử dụng giải pháp chôn lấp như lâu nay hay xử lý theo công nghệ hiện đại. 

Cuối cùng là nguồn lực. Đổi mới, phát triển thì rất cần vốn, nhưng không thể dựa vào nguồn vốn đi vay của Nhà nước. Vốn ở đâu vẫn sẽ là bài toán khó?

- Là một trong những người đứng đầu Quốc hội hiện nay, ông đánh giá như thế nào về vai trò của cơ quan lập pháp trong công cuộc Đổi mới 30 năm qua và giai đoạn tới?

- Không ai khác, chính Quốc hội sẽ đóng vai trò truyền tải quan điểm, đường lối của Đảng thành hệ thống pháp luật mới. Quốc hội với vai trò là nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, Quốc hội sẽ “chung lưng đấu cật” và giám sát hoạt động của Chính phủ, để xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ, minh bạch, tạo nên môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng.

Điều này, theo tôi cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp chứ không chỉ riêng bộ phận nào.

Quốc hội cũng cần đổi mới hơn nữa, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói, Quốc hội phải đoàn kết, đổi mới, sáng tạo và hành động vì lợi ích của đất nước, dân tộc.

Nguyễn Hoài

 
Chia sẻ bài viết qua email