Covid-19 đã làm đảo lộn mọi mặt của cuộc sống và làm thay đổi cách thức bầu cử của các quốc gia trong năm 2020. Do yêu cầu về giãn cách xã hội, các chiến dịch vận động không thể được tiến hành như trước đây. Mông Cổ khuyến khích vận động bằng hình thức trực tuyến. Nếu bắt buộc phải tổ chức sự kiện trực tiếp thì các quy định an toàn cần phải được đảm bảo như giữ khoảng cách, đo thân nhiệt, thông gió, vệ sinh tay và đeo khẩu trang.
Singapore thực hiện cách tiếp cận tương tự khi đảng cầm quyền tổ chức mít tinh trực tuyến, mặc dù sự kiện được đánh giá là kém sôi động hơn các năm trước. Malaysia ban đầu cấm cả việc đến từng nhà vận động, nhưng sau đó đã cho phép với các quy định như không bắt tay và chỉ tụ tập tối đa ba người.
Chi phí tổ chức bầu cử trong thời đại dịch cao hơn thông thường do cần trang bị vật tư như găng tay, tấm che mặt, nước rửa tay và chất khử trùng. Malaysia và Singapore đã quyết định thiết lập thêm các điểm bỏ phiếu để giảm bớt tình trạng đông đúc. Bầu cử thời đại dịch cũng đòi hỏi tuyển mộ và huấn luyện kỹ lưỡng nhiều nhân viên hơn.
Cử tri trên 65 tuổi là nhóm người gặp rủi ro lớn trước Covid-19. Hàn Quốc đã thiết lập các điểm bỏ phiếu đặc biệt cho nhóm này và tăng cường biện pháp phòng ngừa. Singapore cũng thành lập các điểm bỏ phiếu đặc biệt tương tự và dành 4 giờ bỏ phiếu đầu tiên, từ 8h đến 12h, cho người cao tuổi. Tuy nhiên, việc này khiến cử tri ở các nhóm tuổi còn lại phải xếp hàng dài vào buổi chiều và buổi tối để chờ đến lượt. Do đó, cuộc bỏ phiếu đã phải kéo dài thêm hai giờ so với dự kiến ban đầu.
Ở Jamaica, Jordan, Sri Lanka, Hàn Quốc, Saint Vincent và Grenadines (vùng Caribe), cử tri nhiễm nCoV hoặc bị cách ly cũng có thể bỏ phiếu trong những thời gian được ấn định đặc biệt vào ngày bầu cử nếu họ xin phép trước và được giới chức phê duyệt.
Cộng hòa Czech và Litva triển khai hình thức bỏ phiếu không rời khỏi xe với người nhiễm nCoV hoặc tự cách ly. Cử tri lái xe qua điểm bầu cử, bỏ lá phiếu đã điền đầy đủ vào thùng phiếu. Luật quy định hình thức này đã được thông qua hai tháng trước cuộc bầu cử địa phương và thượng viện của Cộng hòa Czech vào tháng 10/2020.
Trong cuộc bầu cử lập pháp tháng 3/2020, Israel thiết lập 16 trạm bỏ phiếu cho 5.630 cử tri phải cách ly tại gia sau khi từ nước ngoài về. Kuwait và bang Idaho của Mỹ cũng thiết lập các điểm bỏ phiếu đặc biệt vào ngày bầu cử nhằm tránh để họ tiếp xúc với các cử tri khác.
Ngoài ra, nhiều nước còn triển khai các hình thức khác như bỏ phiếu sớm để giảm bớt tình trạng cử tri đến quá đông trong ngày bầu cử. 15 quốc gia tổ chức bầu cử năm 2020 đã áp dụng hình thức này. Hàn Quốc kéo dài thời gian bỏ phiếu sớm so với trước đây, kết quả là 26,7% (11,7 triệu phiếu) cử tri đã bỏ phiếu sớm năm 2020 so với 12,2% (5,1 triệu phiếu) trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2016. Tương tự, New Zealand chứng kiến tỷ lệ bỏ phiếu sớm tăng 37,2% (1,98 triệu phiếu) so với cuộc bầu cử năm 2017 (1,2 triệu phiếu) và 63,7% so với cuộc bầu cử năm 2014 (hơn 717.000 phiếu).
Một số quốc gia thay đổi quy định về bỏ phiếu sớm để phục vụ những người phải cách ly hoặc nhiễm nCoV. Ở Myanmar, cử tri không thể trở về nơi cư trú vì những hạn chế phòng dịch có thể bỏ phiếu tại các địa điểm tạm thời trước ngày bầu cử. Tại Bắc Macedonia (Đông nam Âu) cử tri nhiễm nCoV và người tự cách ly tại nhà có thể đăng ký bầu cử thông qua đại diện hoặc bằng phương thức điện tử, như qua email hoặc ứng dụng trực tuyến.
Bỏ phiếu qua thư là hình thức gửi lá phiếu đã điền qua đường bưu điện trước một thời hạn cụ thể. Cử tri phải đăng ký trước để được gửi lá phiếu. 8 quốc gia tổ chức bầu cử vào năm 2020 đã sử dụng hình thức này. Ở Ba Lan, bỏ phiếu qua thư được triển khai trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 28/6/2020 nhưng không được sử dụng đáng kể, chỉ với 177.500 phiếu. Tuy nhiên, bỏ phiếu qua thư tại Mỹ gia tăng đáng kể từ chỉ hơn 17% vào năm 2016, tương đương khoảng 23 triệu phiếu, lên hơn 41%, tức gần 36 triệu, vào năm 2020.
Bang Bavaria của Đức và một số bang của Mỹ đã triển khai bầu cử hoàn toàn qua thư nhưng cách làm này không được thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
Bỏ phiếu hộ là hình thức một cử tri ủy quyền cho người khác bỏ phiếu cho họ. 4 quốc gia gồm Belize (Trung Mỹ), Croatia, Ba Lan và Thụy Sĩ cho phép bỏ phiếu hộ vào năm 2020.
21 quốc gia cho phép người phải cách ly hoặc nhiễm nCoV bỏ phiếu tại nhà bằng thùng phiếu di động, gồm Croatia, Cộng hòa Czech , Litva, Moldova (Đông Âu), Montenegro (vùng Balkan), Myanmar, Bắc Macedonia, Romania và Hàn Quốc.
Ở Montenegro, giới chức bầu cử được trang bị đồ bảo hộ và được đào tạo để tuân thủ quy trình chống dịch đã mang thùng phiếu di động đến cho các cử tri. Họ giữ khoảng cách với nhau, cử tri được yêu cầu đeo khẩu trang và chỉ cởi bỏ trong thời gian ngắn để nhận dạng và phải khử trùng tay trước và sau khi bỏ phiếu. Đối với cuộc trưng cầu dân ý ở Italy, những người nhiễm nCoV có thể bỏ phiếu tại nhà nếu đề nghị giới chức 5 ngày trước ngày bầu cử. Việc thu thập phiếu bầu diễn ra trong điều kiện an toàn y tế tối đa.
Seychelles (Đông Phi) thiết lập 5 điểm bỏ phiếu đặc biệt cho các cử tri làm việc trong dịch vụ thiết yếu, bệnh nhân nằm viện, cư dân trong viện dưỡng lão và những người trong các cơ sở cách ly. Những địa điểm này chỉ mở cửa vào những ngày và giờ nhất định. Tại Singapore, trước cuộc bầu cử quốc hội tháng 7/2020, các đội bỏ phiếu di động đã mang các thùng phiếu đến với những công dân trở về từ nước ngoài bị cách ly trong khách sạn.
"Đại dịch khiến chúng ta phải xem xét xét liệu các phương pháp bỏ phiếu truyền thống có phù hợp hay không. Nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương đã nhanh chóng điều chỉnh các thủ tục, thông qua việc mở rộng quy định và cung cấp thêm hình thức bỏ phiếu", Erik Asplund, chuyên gia Chương trình Tiến trình Bầu cử tại Viện Quốc tế về Dân chủ và Hỗ trợ Bầu cử, nhận xét. "Bài học về cách điều chỉnh bầu cử từ kinh nghiệm của các nước vào năm 2020 sẽ có ý nghĩa cả trong thời kỳ đại dịch và sau đó".
Phương Vũ (Theo Diplomat/IDEA)