Đầu tháng này, Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã cho phép Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (ICBC) mở chi nhánh tại New York.
Trước ICBC đã có nhiều ngân hàng châu Á hoạt động tại trung tâm tài chính số một thế giới. Từ đầu năm tới nay, một số ngân hàng từ các quốc gia xa xôi như Azerbaijan, và Ấn Độ đã được FED cho phép hoạt động tại Mỹ. Trước ICBC, Trung Quốc cũng đã có một ngân hàng khác là China Merchants Bank nhận được sự chấp thuận của FED vào tháng 10/2007.
Các Ngân hàng Trung Quốc đã bắt đầu đổ bóng của mình lên đất Mỹ. Ảnh: robertamsterdam.com. |
Tuy nhiên, với vị thế của ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, sự hiện diện của ICBC tại New York có một ý nghĩa đặc biệt. Nó báo hiệu một làn sóng ngân hàng mang quốc tịch Trung Quốc có thể đổ vào Mỹ trong thời gian tới.
Hiện nay, hệ thống nhà băng tại Trung Quốc đang có những bước tiến thần tốc. Năm ngoái, bốn đại gia hàng đầu tại quốc gia này có mức cho vay tăng vọt. Chỉ riêng ICBC và Ngân hàng Xây dựng trong năm 2007 đã thu lợi nhuận 20 tỷ đôla, theo thống kê của tạp chí Global Fortune 500.
Với tốc độ tăng trưởng như vậy, các ngân hàng Trung Quốc đã trở thành các công ty đủ mạnh để có thể cạnh tranh trên thị trường tài chính thế giới. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia. Nhóm ngân hàng này vẫn chưa có các sản phẩm tài chính tiên tiến cho khách hàng. Hiện tại, dịch vụ mà họ cung cấp như cho vay, thẻ tín dụng, hay quản lý rủi ro vẫn hoạt động theo phương thức truyền thống.
Để khắc phục điều này, những ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã bán cổ phần cho các ngân hàng hàng đầu thế giới như HSBC, Goldman Sachs, Citigroup, Bank of America và Merrill Lynch. Họ hy vọng rằng, kết hợp cùng các tập đoàn tài chính lớn sẽ giúp nâng cao công nghệ, chất lượng dịch vụ, khả năng quản lý, cũng như tính cạnh tranh.
Dẫu sao, các nhà phân tích nhận định, người Trung Quốc sẽ còn phải mất nhiều năm nữa mới có thể mở chi nhánh tại những trung tâm tài chính lớn hoặc tạo dựng chỗ đứng trên phố Wall.
Đại diện của ICBC tại New York từ chối bình luận về việc công ty này có kế hoạch xa hơn tại nước Mỹ hay không.
Ông Henry Fields, tại hãng luật Morrison & Foerster, là một chuyên gia hỗ trợ các ngân hàng nước ngoài trong việc mở trụ sở tại Mỹ. Theo ông các ngân hàng nước ngoài thường sẽ phải mở chi nhánh hoạt động theo kiểu bán buôn trước khi chuyển sang dịch vụ bán lẻ.
Muốn xâm nhập vào thị trường ngân hàng bán lẻ tại Mỹ đòi hỏi người Trung Quốc phải mua lại một ngân hàng Mỹ hoặc tự xây dựng chân rết tại các thành phố. Cả hai phương án trên đều cần thời gian, và đặc biệt là sự chấp thuận từ Ngân hàng Trung ương Mỹ.
Sự có mặt của ngân hàng Trung Quốc trên đất Mỹ đang được những nhà hoạch định chính sách tại Washington đặc biệt quan tâm. Một nhóm không nhỏ người dân, các công ty, cũng như các chính trị gia tại quốc gia này, tỏ ra khá e ngại trước sự "xâm lăng" ngày một mạnh mẽ của người châu Á vào thị trường Mỹ.
Trước đây, tập đoàn dầu khí do Chính phủ Trung Quốc quản lý là China National Offshore Oil (Cnooc) đã tạo nên một cuộc tranh cãi rất gay gắt trên đất Mỹ vào năm 2005 khi tham gia đấu thầu vào dự án của Unocal, một công ty trong lĩnh vực xăng dầu. Cnooc cuối cùng đã phải rút lui do vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Quốc hội Mỹ.
Theo ông Fields, từ kinh nghiệm này, những tập đoàn tài chính Trung Quốc, mà rất nhiều trong số đó do Chính phủ sở hữu, khi theo đuổi "giấc mơ Mỹ" sẽ phải lường trước sự chống đối đến từ những người theo chủ nghĩa bài ngoại.
Xuân Hòa (Theo CNN)