Bán cao hơn giá niêm yết, yêu cầu khách hàng mua thêm phụ kiện để có xe giao ngay, giao sớm là những cách được nhiều đại lý sử dụng để kiếm lợi khi xe khan hàng hoặc quá "hot".
Thực tế, khách hàng do lo ngại không biết lúc nào có xe, lại không muốn mua xe khác, nên đành chấp nhận theo "gợi ý" của nhân viên bán hàng. Việc bán "bia kèm lạc" vì thế có hình thức là một thoả thuận hoàn toàn tự nguyện.

Khách hàng chuẩn bị nhận xe tại một đại lý ở TP HCM. Ảnh: Phạm Trung
Toyota, Ford, Hyundai là những hãng đang có xe bị bán thêm phụ kiện hoặc tăng giá. Thời gian gần đây, các sản phẩm của Hyundai tạo được sức hút, ngoài ra linh kiện thiếu khiến hãng xe Hàn Quốc hạn chế nguồn cung. Vì vậy, tình trạng chênh giá xảy ra với Tucson và Santa Fe.
Hyundai Thành Công áp dụng biện pháp quản lý thứ tự đơn hàng để hạn chế tình trạng này. Mỗi hợp đồng sẽ được đánh số thứ tự, sau đó lịch phân xe sẽ áp dụng cho từng khách cụ thể, theo từng đại lý, hãng giám sát trực tiếp từng đơn hàng để khớp với số đã được giao.
Toyota là hãng xe có nhiều mẫu xe bị kênh giá, trong nhiều giai đoạn và nhiều khoảng thời gian khác nhau. Các mẫu xe thường bị chênh giá Prado, Land Cruiser giai đoạn trước có Vios, Camry... Hiện tại, các mẫu kênh giá của Toyota có Raize, Veloz mới, Land Cruiser, Prado với mức chênh từ 20 triệu đến hơn 1 tỷ đồng.
Trong khi đó, hãng xe có rất nhiều mẫu xe bị kênh giá trong thời gian dài là Toyota Việt Nam đưa ra một đường dây nóng, khi khách hàng gặp phải tình trạng này có thể liên hệ để được hỗ trợ. Các làm của hãng xe Nhật là giải quyết từng trường hợp phát sinh thay vì giải quyết theo hệ thống.
Theo vị quản lý trên vì lợi nhuận, tình trạng các đại lý, hoặc tư vấn bán hàng cướp chỗ của người mua trước để giao cho người sau chấp nhận trả cao hơn. Một số nơi xuất hiện tình trạng đại lý hoặc nhân viên tự cọc xe để giữ chỗ rồi bán lại cho khách hàng.
Ford cũng là hãng thường xuyên xảy ra tình trạng chênh giá của Ranger hay Explorer. Hãng xe Mỹ chưa đưa ra phản hồi nào về vấn đề này. Những năm trước đây, các đại lý của Ford đã bắt tay nhau ký cam kết về thỏa thuận "cấm bán phá giá" nhưng chủ yếu chỉ áp dụng cho những xe giảm sâu, các xe bị chênh giá không có nhiều sự tác động từ chính sách này.
Tuy các hãng đưa ra các cam kết nhưng thực tế giao dịch tại các đại lý chưa có nhiều biến chuyển. Các đại lý của Toyota, Ford, Hyundai vẫn thông báo cho khách mức kênh giá hoặc phụ kiện để có xe giao ngay.
Trên thị trường, nhiều hãng kiểm soát tốt giá bán như hệ thống đại lý của Thaco (phân phối Kia, Mazda, BMW, Peugeot, Mini Cooper), Mitsubishi. Một số mẫu xe hot như Xpander, Seltos vẫn giữ đúng mức giá bán dù khan xe và nhu cầu lớn. Trong khi đó VinFast và Honda là hãng xe thường xuyên tung ra các chính sách bán hàng với ưu đãi sâu cho khách hàng, chủ động nguồn cung nên ít gặp tình trạng trên.
Ánh Dương