Sẽ là rất khó để tìm thấy một người hâm mộ bóng đá Anh cuồng nhiệt nào hơn chủ tịch Bayern Munich, Uli Hoeness. “Bóng đá Anh tạo ấn tượng mạnh trong tôi”, Hoeness trả lời phỏng vấn BBC bằng cặp mắt mở to chân thành đầy cảm hứng. Người đàn ông 60 tuổi này sẽ dành phần lớn kì nghỉ của mình để theo dõi loạt trận đấu diễn ra liên tục qua dịp Giáng Sinh của giải Ngoại Hạng Anh.
Nhân chuyến viếng thăm sân Emirates của Bayern Munich trong khuôn khổ Champions League tháng 2 tới đây , Hoeness sẽ tranh thủ mua cho mình một cặp áo sơ mi tại một cửa hàng đồ hiệu ở London. Điều này đã trở thành một thói quen của Hoeness trong nhiều năm.
Trên cương vị là giám đốc điều hành của Bayern, Hoeness từng đặt bút kí vào bản hợp đồng mượn tiền đạo Mark Hughes từ Barcelona vào năm 1987 và tuyển thủ Scotland Allan Mclnally từ Aston Villa hai năm sau đó. Mclnally nhớ lại từng được Hoeness hứa trả “thêm 200 mác Đức hoặc nhiều hơn thế” cho mỗi bàn thắng mà ông ghi được bằng đầu. “Hoeness thích những cầu thủ biết chơi đầu”, cựu tiền đạo CLB Celtic nhớ lại.
Khi tiền đạo Chelsea, Didier Drogba hủy diệt Bayern bằng một bàn quan trọng làm nên chiến thắng 4-2 ở vòng tứ kết Champions League 2005 trên sân Stamford Bridge, Hoeness sau đó đã rời sân với sự thất vọng não nề song ông cũng bị ấn tượng sâu sắc đến nỗi phải khen ngợi: “Đã từ rất lâu rồi tôi mới được chứng kiến một tiền đạo đẳng cấp như anh ta”.

Sự ngưỡng mộ Hoeness dành cho bóng đá Anh có vẻ hơi lạ kì nếu như nhìn lại quá khứ đối đầu đây duyên nợ giữa Bayern và những đội bóng Anh. Đó là chiến thắng hai bàn cách biệt gây sốc của Norwich trước “hùm xám” trên sân vận động Olympic trong khuôn khổ UEFA Cup 1993 với cú vô lề thành bàn đáng nhớ của Jeremy Goss. Trước đó, cựu cầu thủ từng vô địch World Cup cũng phải đóng vai khán giả bất đắc dĩ trên băng ghế chỉ đạo cùng các thành viên trong ban huấn luyện Bayern khi đội bóng xứ Bavaria thể hiện màn trình diễn kém cỏi trước các đội bóng Anh suốt 5 năm từ 1981-1985. Trong khoảng thời gian ấy, Bayern bị Liverpool loại khỏi cúp Châu Âu; bị Aberdeen và Everton đá văng khỏi Cúp các đội đoạt Cup quốc gia (Cúp C2 cũ); bị Tottenham đánh bại ở UEFA Cup. Tuy nhiên, thất bại tồi tệ nhất của Bayern giai đoạn này chính là trận thua 0-1 trước Aston Villa ở chung kết Cup C1 1982.
Sau hai thất bại tương tự vào năm 1999 trước Manchester United và năm 2012 trong trận đấu với Chelsea, việc gặp một đội bóng Anh khác là Arsenal ở vòng đấu sắp tới một lần nữa gợi lại ký ức đau thương và cảnh báo tương lai không mấy sáng sủa. Ban lãnh đạo và cả HLV Jupp Heynckes có thể phải ra đi nếu Bayern một lần nữa gục ngã trước một đại diện đến từ xứ sương mù.
Công bằng mà nói, nhìn chung Bayern không cần vướng bận nhiều về những thất bại mang tính lịch sử của mình. Họ chỉ cần ghi nhớ thành tích đối đầu khả quan của mình với đội bóng bắc London. Bayern đã cầm hòa Arsenal 2-2 tại Highbury và đánh bại các pháo thủ 1-0 trên sân Olympic trên hành trình tới ngôi vô địch Champions League 2001. Bên cạnh đó là trận thắng 3-1 trên sân nhà và trận thua 0-1 tại Highbury vào năm 2005 qua đó giúp hhùm xám lọt vào tứ kết Champions League mùa giải năm ấy.
Các thành viên tại Bayern dường như tỏ ra rất mong đợi cuộc tái đấu giữa hai đội trong vòng 2 tháng tới. Tiền đạo Thomas Muller phát biểu: “Thật là một lá thăm tuyệt vời khi chúng tôi phải đương đầu với một ứng viên - một đối thủ tưởng như chúng tôi khó vượt qua. Tôi rất vui vì mình sẽ có cơ hội được chơi bóng tại London lần đầu tiên trong đời và đặc biệt là được tái ngộ hai tuyển thủ người Đức là Per Mertesacker và Lukas Podolski”.
Muller, 23 tuổi, từng nhận được một số lời đề nghị từ Arsenal, tuy nhiên trong tuần qua anh đã quyết định gia hạn hợp đồng với đội chủ sân Allianz Arena đến năm 2017.
“Chúng tôi hiểu rõ Arsenal”, Giám đốc điều hành Bayern, Karl-Heinz Rummenigge cho biết. “Chúng tôi có thể hài lòng với kết quả bốc thăm này tuy nhiên chúng tôi không thể xem thường họ. Điều quan trọng là đội bóng phải cố gắng đạt kết quả có lợi ở London; ghi một bàn và xem đó như một lời khẳng định cho chiến thắng. Chúng tôi có thể làm được và chúng tôi sẽ bước vào trận đấu này với tinh thần quyết thắng”.
Tiền vệ người Đức Bastian Schweinsteiger và tiền đạo người Peru Claudio Pizzaro là những người duy nhất hiện còn thi đấu sau trận đấu cuối cùng giữa hai đội vào năm 2005.
“Tôi nhớ lại trận đấu của mình tại Highbury”, Schweinteiger phát biểu. “Đó là trận thua 0-1 của Bayern và Henry là người ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu. Tôi sẽ rất hạnh phúc nếu anh ấy có mặt trong trận đấu sắp tới của hai đội”.
Nếu khả năng tiền đạo người Pháp lần thứ ba quay lại Arsenal theo dạng cho mượn từ CLB New York Red Bulls là không quá bất ngờ thì việc Podolski quay lại Đức nhiều khả năng sẽ làm xôn xao báo giới. Tiền đạo người Đức đang nỗ lực khẳng định mình trong màu áo đội bóng mới, và có cảm giác rằng anh sẽ có thêm động lực khi tái ngộ Bayern như để đáp lại những lời chỉ trích nặng nề nhắm vào đội bóng mà anh bị coi là vận đen từ năm 2006 đến 2009.
Kết quả của trận đấu với Arsenal có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai của HLV Jupp Heynckes. Một thất bại trong giai đoạn giữa mùa giải chắc chắn sẽ khiến cơ hội tiếp tục công việc của ông trở nên mong manh hơn. Hoeness và Heynckes hiển nhiên sẽ không được tha thứ trong khi một chiến thắng có thể đưa đến kịch bản khác: Bayern tiến gần tới ngôi vô địch lần đầu tiên kể từ năm 2001.
Liệu chiến thắng trước Pháo thủ có thể tạo cơ hội cho Bayern làm lại từ đầu?
Phạm Trần Hải