Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài ngày càng khó khăn. Do đó, thay vì chờ nhà đầu tư như trước đây, nhiều địa phương đã tự tìm kiếm cơ hội thông qua các cuộc xúc tiến đầu tư trực tiếp hoặc quảng bá về môi trường đầu tư của tỉnh.
"Các tỉnh đã nhận thấy cần tự thân để cải thiện môi trường kinh doanh, giúp doanh nghiệp hoạt động thuận lợi và thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn", ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định.

Trong đó, tăng được chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đang được nhiều địa phương quan tâm. Một lãnh đạo tỉnh phía Bắc nhận xét: "PCI đã trở thành một kênh tạo áp lực để tiến hành cải cách hành chính, từ đó giảm được chi phí không chính thức cho các doanh nghiệp".
Mạnh tay nhất trong quá trình này phải kể đến Ninh Thuận khi chịu chi tới 3 triệu USD để thuê tư vấn nước ngoài cải thiện năng lực cạnh tranh, kết quả là tỉnh đã nhảy được 30 bậc trên bảng xếp hạng PCI so với trước thời điểm có sự tư vấn từ bên ngoài. Hay theo một nguồn tin từ cơ quan khảo sát PCI, có tới 40 trên 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đang thường xuyên tổ chức các cuộc họp, hội thảo để tìm cách nâng bậc xếp hạng.
Khu vực năng động nhất là các địa bàn gặp bất lợi về địa lý, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. "Vị trí địa lý thì không thể thay đổi được, cải thiện cơ sở hạ tầng cần rất nhiều thời gian trong khi nâng chất lao động phải cần cả một thế hệ, do đó cách nhanh nhất để các địa phương này thu hút đầu tư chính là nâng cao năng lực điều hành để lấn át các hạn chế khác", vị này phát biểu.
Hoặc ở một số địa phương, việc bị tụt hạng sẽ là một "vết" khi làm việc với các nhà đầu tư trên địa bàn, do vậy cải thiện chỉ số sẽ không thể tránh khỏi.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Lương Thành thông tin, xuất phát từ việc năm 2012 lần đầu tiên bị tụt hạng về chỉ số PCI, ban lãnh đạo tỉnh xác định mục tiêu hàng đầu cho năm nay là phải thăng hạng trở lại và có trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu. Nhiều đề án cải thiện năng lực cạnh tranh đã được các sở, ngành Bắc Ninh xây dựng, ông nói.
Với thành phố lớn như Hà Nội, ngay sau khi chỉ số PCI bị tụt xuống vị trí 52 trên 63 tỉnh thành, đã có nhiều ý kiến phê bình, chê trách lãnh đạo thành phố vì đã để xảy ra sự thụt lùi lớn này. Đánh giá đây là "một kết luận đáng buồn cho Hà Nội", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo khẳng định sẽ cải thiện kết quả PCI năm tới.
Để cải thiện chỉ số, theo ông Đậu Anh Tuấn, tính minh bạch đang là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất, song đây lại là điểm yếu tại nhiều địa phương. "Nhiều tỉnh chỉ cung cấp thông tin có sẵn và bị động, tức doanh nghiệp cần gì mới cung cấp và phải đến làm việc với đúng phòng, sở ngành", ông cho hay.
Do vậy, vị này khuyến nghị các địa phương cần chủ động khi làm việc với doanh nghiệp, tự tổng hợp xem doanh nghiệp, báo chí cần gì để cung cấp. "Một số địa phương cũng đã chuyển hướng theo cách này như Ninh Thuận vừa qua thành lập Văn phòng phát triển kinh tế, chuyên cung cấp tất cả thông tin mà doanh nghiệp cần. Đây là một hướng được đánh giá cao", ông Tuấn nhận xét.
Ngoài ra, một chỉ số cũng có tính lan tỏa cao là sự năng động và tính tiên phong của chính quyền, như lãnh đạo có tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp hay không hay tỉnh liệu có coi trọng sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. "Sự chủ động trong việc đưa ra các giải pháp là rất cần thiết để doanh nghiệp cải thiện môi trường kinh doanh", ông Tuấn nhấn mạnh.
Huyền Thư