Tuy nhiên, những người lọt vào vòng trong hầu hết vẫn là các giọng hát đến từ các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp.
Ở dòng thính phòng cổ điển, 7 thí sinh tham gia tranh tài đã có tới 4 cái tên được lựa chọn vào chung kết toàn quốc. Trong đó Nguyễn Hiền Anh (SBD 53, Hà Nội) được ban giám khảo đánh giá cao với phần thể hiện Khúc ca Hơ Rê - một ca khúc do nhạc sĩ Phan Ngọc sáng tác từ những năm 1960. Đặng Minh Hải (SBD 14, Hà Tây) trình bày tốt Tôi là người thợ mỏ (Hoàng Vân), dù cảm xúc chưa đầy đặn bởi tuổi đời quá trẻ - 18 tuổi, cũng giành một vé vào vòng trong. Trần Tân Phương (SBD 36, Hà Nam) đã chứng minh "sự học hành" của mình tại Nhạc viện Hà Nội bằng cách hoàn thành phần thi với Bóng cây Kơnia (Phan Huỳnh Điểu), bằng chất giọng nữ cao trong vắt dù kỹ thuật còn non. Người cuối cùng có tên trong danh sách chung kết toàn quốc dòng thính phòng cổ điển là SBD 04 Nguyễn Phúc Tiệp (Quảng Ninh) qua phần trình diễn Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ (Nguyễn Văn Thương).
![]() |
Nguyễn Hiền Anh (SBD 53) nổi bật với "Khúc ca Hơ Rê" dòng thính phòng. Ảnh: Na Sơn. |
Hai thí sinh ở dòng dân gian được sàng lọc từ 5 người thi, đó là Bùi Thu Huyền (SBD 31, Hà Nội) - sinh viên Nhạc viện Hà Nội và Trần Thị Thu Hà (SBD 71, Hà Nội) - sinh viên Đại học Sư phạm 1. Ca khúc Đợi (thơ Vũ Quần Phương, nhạc Huy Thục) từng được đóng dấu với giọng ca NSND Thu Hiền - giờ được làm mới lại không chỉ qua bản phối khí, mà bằng chính giọng hát trẻ trung, đầy sức sống của Thu Hà. Kỹ thuật thanh nhạc còn non nớt vì không có căn bản, nhưng sức truyền cảm của cô ca sĩ "ngoại đạo" này thổi vào Đợi đã thuyết phục Ban giám khảo, giúp Hà bước vào chung kết toàn quốc khá tự tin.
Nổi bật trong đêm chung kết miền Bắc là Phạm Hà Linh (SBD 48, Hà Nội), đến từ Học viện Quan hệ quốc tế. Hát lại Đá trông chồng (Lê Minh Sơn) theo cách riêng, Hà Linh đã bước qua khỏi bóng đàn chị Thanh Lam, ghi dấu một giọng ca cá tính mạnh. Vẫn day dứt, nóng bỏng trong từng câu chữ, Hà Linh thể hiện hình ảnh người đàn bà bồng con đợi chồng bằng một cái nhìn mới, dịu dàng và tinh tế chứ không còn đau đớn.
Không kém phần cá tính, Nguyễn Thị Thu Phượng (SBD 05, Hà Nội) thể hiện Dệt tầm gai (nhạc Ngọc Đại, thơ Vi Thùy Linh) - một ca khúc khó - khá thuyết phục. Điều đáng quý ở giọng hát của Phượng là cảm giác bùng nổ trong cách thể hiện, dù còn liên tục hát phô.
![]() |
Nguyễn Thị Thu Phượng hát "Dệt tầm gai" không theo bước của đàn chị Hà Trần. Ảnh: Na Sơn. |
Người đứng cuối cùng trong danh sách 9 người vào chung kết toàn quốc là SBD 64 Nguyễn Thị Xuân Hương, đến từ Quảng Ninh. Cô công nhân Công ty tuyển than Cửa Ông - Quảng Ninh với chất giọng khàn đặc trưng hát khá thành công Ngọn lửa cao nguyên (Trần Tiến). Không có chuyên môn, Xuân Hương thể hiện phần thi của chị hoàn toàn bằng cảm xúc, và sự cố gắng này đã được Ban giám khảo ghi nhận.
9 thí sinh vòng chung kết phía Bắc sẽ cùng 18 thí sinh của 2 miền Trung, Nam tiếp tục thi đấu cả 3 dòng thính phòng cổ điển, dân gian, nhạc nhẹ tại chung kết toàn quốc được tổ chức tại Hòn Ngọc Việt, Nha Trang, vào tháng 7.
B.L.