Thước phim về cá tay hồng được quay trong một cuộc khảo sát ở Công viên hải dương Tasmania Fracture ngoài khơi vùng ven biển phía tây nam Tasmania của Cơ quan Công viên Australia và Đại học Tasmania. Phó giáo sư Neville Barrett, một trong những nhà sinh vật học hải dương dẫn đầu đoàn thám hiểm, cho biết khảo sát là một cách tuyệt vời để tìm hiểu loài nào đang sống trong khu vực, xác định động vật nào phổ biến và hiếm gặp trong môi trường xa xôi và khắc nghiệt.
"Bất ngờ lớn nhất là chúng tôi tìm thấy một con cá tay hồng trong công viên ở độ sâu khoảng 120 m. Trước đó, loài vật này mới được bắt gặp 4 lần và nằm trong danh mục loài hiếm của Luật bảo vệ động vật đang bị đe dọa của Tasmania hồi đầu năm nay.
Nhóm nghiên cứu phát hiện cá tay hồng (Brachiopsilus dianthus) trong khi phân tích hình ảnh từ video quay từ xa dưới nước trong cuộc khảo sát. Lần cuối cùng một thợ lặn trông thấy B. dianthus ngoài khơi bán đảo Tasmania là 22 năm trước. Công viên hải dương Tasmania Fracture là vùng biển được bảo vệ rộng hơn 42.476 km2, trải dài tới Nam Đại dương. Điểm sâu nhất của công viên lên tới gần 6.096 m. Tasmania Fracture tập trung nhiều hẻm dốc, rãnh sâu, núi ngầm và bồn địa, cung cấp nơi ở cho vô số loài cá và động vật không xương sống dưới biển.
Trong video, cá tay hồng xuất hiện ở góc phải màn hình và bị che khuất một phần bởi đám tảo biển. Con vật bị thu hút bởi camera gắn mồi nhử mà hai con tôm hùm đá đang tranh giành. Sau khi con tôm hùm thứ ba nhập cuộc, cá tay hồng bơi đi. Phát hiện này mang lại hy vọng về sự sống sót của cá tay hồng, hé lộ chúng có môi trường sống và phân bố rộng hơn suy đoán.
Đây là cuộc khảo sát thứ hai trong hàng loạt chuyến thám hiểm để theo dõi thay đổi với nước ở thềm lục địa, khu vực nằm dưới sự bảo vệ từ năm 2007. Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể tìm thấy thêm nhiều cá tay hồng và những loài vật khác thường trong vùng.
An Khang (Theo Newsweek)