Có thể nói, Sony dù bị cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như Samsung và LG nhưng vẫn giữ được vị trí hàng đầu về thiết kế. Chiếc ZX1 này cũng vậy. Với những đường nét vô cùng đơn giản như vẫn toát lên sự hiện đại và sang trọng, ZX1 có thiết kế tương tự như TV OLED XEL-1 với chân đế tròn và giá đỡ chéo khá phong cách. Màn hình này thuộc hàng siêu mỏng với chỗ mỏng nhất chỉ 9,9 mm, phần cuối phía chân đế dày hơn, lên tới 28 mm. Độ dày này cũng "hao hao" như đối thủ Samsung UA40B7000, nhưng trong khi Samsung tích hợp bộ giải mã thì Sony lại lựa chọn thiết kế dạng "hai mảnh", đẩy toàn bộ các kết nối đa phương tiện sang một hộp media rời. Mặt khác, đây là dạng TV không dây, vì thế điều khiển thay vì hồng ngoại sẽ sử dụng sóng radio.
Sony Bravia ZX1. Ảnh: Cnet. |
"Không dây" là tính năng thế mạnh mà Sony muốn khách hàng chú ý ở model này. Trong khi các giải pháp HDMI không dây từ các hãng thứ ba vẫn đang trong quá trình tranh cãi, thì việc tích hợp sẵn giải pháp không dây trên màn hình ZX1 tiện dụng hơn. Một điểm thú vị là ZX1 lại sử dụng công nghệ không dây Amimon 5 GHz như trên thiết bị FlyWire vốn đã bị hãng Belkin bỏ bẵng. Tuy nhiên, không như các sản phẩm không dây khác trên thị trường, ZX1 chỉ truyền tải được phim ở độ phân giải 1080i. Mặc dù độ phân giải 1080p được hỗ trợ đầy đủ qua cổng HDMI nhưng khi được truyền không dây sẽ bị giảm xuống 1080i, khá lỗi thời so với các đối thủ trên thị trường.
Về khía cạnh này, có thể nói Sony ZX1 cũng tương tự như một TV LED của Samsung, chỉ khác nhau lớp vỏ. Cả hai màn đều được sản xuất tại cùng một nhà máy, cùng tích hợp đèn nền LED trắng chiếu cạnh. Tất nhiên, thiết kế và các thiết bị điện tử là khác nhau nhưng đại thể chúng vẫn là những mẫu TV tương tự.
Về xử lý hình ảnh, ZX1 sử dụng cơ chế quét hình MotionFlow 100 Hz nhằm loại bỏ rung, giật và bộ xử lý Bravia Engine 2 (hơi cũ khi hiện tại đã có thế hệ ba). Các kết nối khác bao gồm 3 cổng HDMI, cổng Component, cổng USB và một cổng Composit.
Mặt sau TV ZX1. Ảnh: Sony-asia. |
Thành thực mà nói, ZX1 chưa mang lại khả năng đáng được như mong đợi. Các nội dung đa phương tiện truyền tải qua các cổng kết nối không gặp vấn đề gì nhưng qua mạng không dây thì đôi lúc gây khó chịu do có hiện tượng bị nhòe.
Hiện tượng mờ nhòe vốn là nhược điểm lớn nhất của màn LCD nhiều năm nay và mới được giải quyết nhờ vào tốc độ phản hồi của các pixel đã gần đạt tới tốc độ trên màn Plasma. Nhưng công nghệ không dây Wireless 1080 trên màn Bravia hiện tại lại có vẻ bị tụt lùi thêm một bậc. Tại hầu hết các nội dung có những pha chuyển động nhanh như thể thao, game đều xuất hiện hiện tượng nhòe hình, vì thế, màn này không phải là một lựa chọn sáng giá cho những người thích thể loại hành động hay thể thao. Tuy nhiên, khi chuyển sang kết nối có dây như HDMI thì hiện tượng này sẽ được khắc phục đáng kể.
Chất lượng khi xem phim được cải thiện hơn hẳn. Khi xem phim KingKong trên đĩa DVD, dù vẫn có một chút hiện tượng hạt nhưng độ tương phản và màu sắc hiển thị rất tốt. Chuyển động quá nhanh dù có chưa được xử lý hoàn hảo nhưng vẫn được kiểm soát tốt như cảnh máy bay bay quanh tháp Empire State Building chẳng hạn. Tuy nhiên, cảnh này lại xuất hiện một số hiện tượng dải màu trên các đám mây, hiện tượng vốn chỉ hay xảy ra trên các màn Plasma.
Độ chi tiết phải nói là khá hoàn hảo. Các nội dung HD như đĩa phim Blu-ray Mission: Impossible III chẳng hạn được xử lý chuẩn với rất ít hiệu ứng giả tạo. Mức độ đen cũng khá tốt đủ để mang lại cảm giác sâu và rõ ràng. Tuy nhiên, màn hình bị hiện tượng đèn nền quầng lên ở góc, tương tự như với một số màn Samsung trước đây.
Cuối cùng, hệ thống âm thanh của màn Sony chỉ đạt ở mức trung bình, hệ thống loa phản ánh đúng như chất lượng của một dạng trình xử lý âm thanh tích hợp. Âm thoại kém còn âm trầm gần như không tồn tại. Và do loa nằm ở chân đế nên nếu bạn dự định không dùng đế (như treo tường chẳng hạn) thì màn hình sẽ coi như mất tiếng hoàn toàn.
Gờ mỏng nhất của TV là 9,9 mm. Ảnh: Blogspot. |
Nếu khó tính có thể coi ZX1 là một dạng "phò mã tốt áo" bởi dù có ngoại hình bắt mắt, hiện đại với nhiều thông số cấu hình ấn tượng, nhưng thực tế hoạt động lại không hề xuất sắc, nhất là kết nối không dây.
Trong khi hệ thống loa sau không dây trong dàn home theatre đang là một hiện tượng thì thực tế cho thấy TV không dây chưa đạt được mức ưu ái như vậy. Lý do đơn giản là người ta chưa nhìn thấy nó hữu ích ở điểm nào. Kể cả không dây thì để hoạt động người dùng vẫn phải nối cáp nguồn. Và nếu như không định treo tường thì không dây cũng chẳng hơn gì. Công nghệ không dây có lẽ chỉ phù hợp cho vài phần trăm nhu cầu những người chẳng may khi xây nhà lắp đặt lỗ cắm ăng-ten ở vị trí không hợp lý. Nhưng thay vì lựa chọn giải pháp truyền không dây đắt tiền, có lẽ giải pháp thủ công là chuyển TV đến phía góc nhà có lỗ ăng-ten còn rẻ hơn nhiều.
Thực ra, ZX1 cũng không bị quá chỉ trích nếu như nó không phải là một thế hệ sản phẩm công nghệ mới nhất của Sony. Thay vì bỏ ra mức giá tới 100 triệu đồng, giải pháp chọn phiên bản Z5500 có lẽ còn tốt hơn bởi phiên bản này cũng tương tự về mặt thiết kế, lại kèm thêm tốc độ quét hình tới 200 Hz. Mặc dù thiếu hệ thống không dây nhưng cũng không có vấn đề gì bởi kết nối TV không dây hiện mới chỉ là những mỹ từ dùng cho quảng cáo.
|
||
|
Nguyễn Hà (theo Cnet)