Nước ngập nhiều đường đi nên phải vài tiếng sau chị mới được đưa tới bệnh viện cấp cứu. "Bệnh nhân bị bỏng 95% và ở mức độ rất nặng. Ngày 5/11, nạn nhân mới bỏ được máy thở và đã qua được cơn nguy kịch", bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, cho hay.
Người dân vùng ngập cần đặc biệt lưu ý khi dùng điện, lửa do nguy cơ cháy nổ cao. Ảnh của bạn đọc Quang Tuấn. |
Theo bác sĩ Thống, những ngày mưa lũ vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều ca bỏng do có nguyên nhân ngập nước, nặng nhất là trường hợp của chị Nga.
Một bệnh nhân khác là chị Trang ở quận Hai Bà Trưng bị bỏng ở mặt, chân tay, lưng và bụng, đến 60% cơ thể. Theo lời nạn nhân, khi nhà bị ngập nước, lại mất điện nên chị châm nến. Không may, lửa từ nến rơi xuống mặt nước tràn xăng, cháy bùng trùm lên người.
Viện Bỏng quốc gia cũng tiếp nhận một số ca bỏng nặng do chập điện. Điển hình là trường hợp của anh Tấn, 41 tuổi, quê ở Phú Thọ. Do đứt dây điện nên anh đi ra ngoài sửa, gặp mưa ướt, đường dây hở khiến anh bị điện giật.
"Bệnh nhân này bị bỏng nặng, nhiễm độc, chúng tôi phải cắt phần hoại tử để giải phóng chèn ép, may ra mới cứu được bàn tay của bệnh nhân", tiến sĩ Lê Năm, giám đốc Bệnh viện cho hay.
Cũng theo ông Năm, có nhiều trường hợp là trẻ em cũng bị bỏng do tự ý cắm điện hoặc bật gas nấu mì tôm ăn dẫn đến cháy nổ, chập điện.
Các chuyên gia về bỏng cảnh báo, mưa to vẫn sẽ tiếp tục trong một vài ngày tới, người dân nên cẩn thận với các dây điện trong nhà, nếu bị ngấm nước sẽ dẫn đến cháy nổ. Nhiều nhà ngập nước, xăng từ các xe máy rò rỉ loang trên mặt nước cũng rất dễ gây bùng cháy. Những người nội trợ cũng cẩn thận khi nấu ăn bằng điện, gas, tránh để gần những xe máy có nguy cơ rò xăng.
Anh Thư