Hồng Yên, 21 tuổi, du học sinh Việt tại Đức, nhớ lại cảm xúc khi chuyện xảy ra vào năm ngoái: "Tôi sững sờ và hoang mang. Về đến nhà, mọi thứ như kẹt lại trong đầu. Tôi cảm thấy tức giận. Có vẻ họ không tìm được ai để đổ lỗi, và chúng tôi là mục tiêu dễ dàng hơn cả", Yên nói.
Trao đổi với VnExpress cuối tuần qua, cô gái nói rằng thành phố Münster hiền hòa, nơi cô sinh sống và học tập hơn một năm rưỡi qua, đã thay đổi nhiều kể từ khi Covid-19 bùng phát. Không còn những lời chào hỏi, chẳng còn chuyến xe quá giang đến trường từ "những người lạ tốt bụng", Yên phiền lòng vì đôi khi bị né tránh dù chỉ đang đi bộ trên đường.
Cô lo lắng, ngại ra đường. Yên kể một người bạn châu Á của mình phải đến gặp bác sĩ điều trị tâm lý do đại dịch, tình trạng phân biệt đối xử và bất ổn trong cuộc sống dồn đến cùng lúc.
Long (yêu cầu được đổi tên), du học sinh Việt Nam tại Washington, Mỹ, đang trên đường về nhà từ nơi làm thêm thì bị một thanh niên da trắng chặn lại và hỏi xin tiền lẻ. Long từ chối lịch sự và nhận lại những lời lăng mạ dành cho người châu Á. Hai tháng sau, Long gặp lại thanh niên kia cùng với một người bạn gốc Phi.
"Họ đi theo tôi, đe dọa, giả bộ có súng trong túi áo và bắt tôi đưa tiền cho họ. Tôi bị đấm, ghì xuống đất, móc túi và nhận những lời miệt thị chủng tộc", Long chia sẻ ngày 15/4, về câu chuyện xảy ra từ 4 năm trước.
Long sợ hãi nhưng vẫn cố gắng đánh trả để tự vệ. "Sự việc ảnh hưởng đến tâm lý tôi trong một thời gian. Những ngày mùa đông, trời tối nhanh và phải di chuyển một mình bằng xe bus, tôi lo lắng điều tương tự xảy ra một lần nữa. Liệu mọi thứ có tồi tệ hơn không?", Long nói.
Long và Yên không phải những trường hợp hiếm hoi từng chịu cảnh kỳ thị, phân biệt chủng tộc ở phương Tây vì là người châu Á. Giới chức nhiều thành phố ở Canada, Australia, châu Âu đã báo cáo nhiều hành vi thù địch nhắm đến cộng đồng gốc Á. Kể từ năm 2019 đến năm 2020, tại Vancouver (Canada) số vụ việc tăng 717%. Tuy nhiên, nhiều quốc gia như Pháp, Đức, Bỉ không thu thập dữ liệu nhân khẩu cụ thể về sắc tộc, khó định hình chính xác quy mô vấn đề.
Số liệu của Cảnh sát Thủ đô London, Anh, cho thấy hơn 200 vụ tấn công người Đông Á đã xảy ra kể từ tháng 6 đến tháng 9/2020, tăng 96% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo năm 2019 của chính phủ Tây Ban Nha, 2,9% công dân châu Á là nạn nhân của phân biệt chủng tộc. Ở Pháp, các nhà vận động xã hội cho biết đại dịch đã khiến cuộc sống của cộng đồng này trở nên tồi tệ hơn. Tính riêng thành phố Paris, cứ hai ngày lại có một vụ tấn công hoặc lăng mạ nhắm đến người châu Á.
Nhóm vận động xã hội Stop AAPI Hate cho biết họ đã nhận được gần 3.000 báo cáo về trường hợp tấn công nhắm vào người Mỹ gốc Á từ tháng 3 đến tháng 12/2020. Tổng thống Mỹ Joe Biden nói các vụ tấn công nhằm vào người gốc Á "tăng vọt" và kêu gọi dân Mỹ chống lại "sự trỗi dậy của chủ nghĩa bài ngoại".
Ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng kỳ thị ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tâm lý của người châu Á tại phương Tây. Khảo sát Quốc gia Liên bang về sức khỏe năm 2018 cho thấy gần 44% người Mỹ gốc Á từng trải qua giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng và phải điều trị. Người đến từ Campuchia, Lào và Việt Nam có nguy cơ cao sang chấn tâm lý (PTSD) cao, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).
Hiệp hội Tâm lý Mỹ cho biết nạn nhân của hành vi thù địch, phân biệt chủng tộc thường có biểu hiện căng thẳng sau chấn thương tâm lý, phiền muộn, lo âu, phẫn nộ và thiếu tự tin.
Theo các chuyên gia, làn sóng kỳ thị cũng giúp phơi bày thiếu sót trong hệ thống chăm sóc sức khỏe đối với người châu Á đang học tập và làm việc ở nước ngoài. Tại Mỹ người châu Á - Thái Bình Dương ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ sức khỏe tâm thần hơn bất cứ nhóm chủng tộc nào. Bảo hiểm y tế của du học sinh thường không bao gồm chi phí khám tâm lý. Rào cản ngôn ngữ, sự thiếu hiểu biết về lịch sử, văn hóa châu Á khiến các chuyên gia gặp nhiều khó khăn khi tư vấn cho khách hàng của mình.
"Điều này không mới, nhưng nó gây ra nhiều tổn thương. Vấn đề lớn nhất là chúng ta đang sống với hệ thống chăm sóc sức khỏe không đáp ứng đủ nhu cầu của cộng đồng", Mandy Diec, giám đốc chính sách của Trung tâm Hành động Nguồn lực Đông Nam Á (SEARAC), nhận định.
Khảo sát của SEARAC, thực hiện trên cộng đồng người Campuchia, Việt Nam, Lào, Trung Quốc tại Mỹ, cho thấy 29% người được hỏi gặp trở ngại do không hiểu đầy đủ về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Đối với Long, sự việc hồi trước không còn ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống hiện tại, song chàng trai vẫn lo lắng trước làn sóng thù ghét người châu Á ngày một gia tăng, đặc biệt sau khi Covid-19 bùng phát.
Yên cho biết nhiều bạn bè châu Á thường ngần ngại khi nhắc đến việc bị kỳ thị hoặc những tổn thương, sang chấn sau đó.
"Tôi không hiểu tại sao mọi người cảm thấy xấu hổ đến vậy. Chúng ta không phải người có lỗi. Mọi người nên nâng cao nhận thức về vấn nạn phân biệt chủng tộc và kỳ thị người châu Á. Đừng đợi đến khi mình hay người thân bị ảnh hưởng mới lên tiếng", Yên chia sẻ.
Thục Linh