Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ ba, 24/3/2020, 14:36 (GMT+7)

Chín vòng cuối của Ngoại hạng Anh đã thay đổi thế nào

Lịch sử 28 năm từ khi ra đời của Ngoại hạng Anh chứng kiến nhiều biến động ở giai đoạn về đích, và đó là lý do Liverpool chưa đảm bảo được điều gì khi giải đấu đang dừng ở vòng 29.

Liverpool - với 25 điểm nhiều hơn đội thứ hai Man City - chỉ còn cách chức vô địch lịch sử vỏn vẹn hai chiến thắng. Nhưng Ngoại hạng Anh cũng đang trải qua thời khắc chưa từng có, khi đại dịch Covid-19 khiến giải đấu bị đình trệ.

Hãy cùng nhìn lại khoảng thời gian này của một thập kỷ qua, để thấy chín vòng cuối có thể thay đổi điều gì đối với một mùa giải.

Mùa 2010-2011: Man Utd vô địch, Wigan thoát hiểm thần kỳ

Sau 29 trận, Man Utd dẫn đầu với 60 điểm, nhiều hơn ba điểm nhưng đá hơn một trận so với đội xếp thứ hai Arsenal. Hai vị trí tiếp theo lần lượt là Man City (53 điểm) và Chelsea (51 điểm). Tottenham xếp thứ năm với ba điểm ít hơn và còn nguyên cơ hội vượt mặt Chelsea để giành tấm vé dự Champions League. Trong cuộc đua trụ hạng, Wigan thất thế ở vị trí bét bảng với 27 điểm, cách nhóm an toàn bốn điểm. Hai đội cùng chung cảnh ngộ là West Ham và Wolves. Khoảng cách giữa ba đội bóng đều là hai điểm. 

Khi vòng 38 khép lại, Man Utd lên ngôi vô địch với 80 điểm, tức là trong chín vòng cuối, đoàn quân của HLV Alex Ferguson chỉ giành 20 trong 27 điểm tối đa. Nhưng như vậy là quá đủ để họ trở thành nhà vô địch nước Anh lần thứ 19 - vượt qua kỷ lục của đại kình địch Liverpool. Trong khi đó, Arsenal trải qua chặng nước rút không thành công, rơi xuống thứ tư và phải đá play-off Champions League. Các đội xếp thứ hai và thứ ba lần lượt là Chelsea và Man City, cùng 71 điểm.

Wigan - nhờ người hùng Hugo Rodallega - trải qua chặng nước rút tuyệt vời. Ở vòng cuối, đội bóng thuộc vùng Greater Manchester tăng liền ba bậc để kết thúc mùa giải với vị trí 16. Blackpool, Birmingham và West Ham phải xuống hạng Nhất.

Mùa 2011-2012: Siêu anh hùng Aguero và chức vô địch đầu tiên của Man City.

Sau vòng 29, Man Utd dẫn đầu được 70 điểm, còn Man City bám đuổi với đúng một điểm ít hơn. Các đội phía sau như Arsenal (55 điểm), Tottenham (54 điểm) hay Chelsea (49 điểm) hầu như không còn cơ hội. Với nhóm đua trụ hạng, “tử thần” đang chờ gọi tên Queens Park Rangers, Wolves và Wigan.

Vào ngày hạ màn, chỉ Wolves xuống hạng, còn QPR và Wigan đã nhanh chân thoát hiểm. Thay thế cho họ là Blackburn và Bolton. Nhưng kịch tính nhất là cuộc đua vô địch giữa Man Utd và Man City. Trong trận đấu cùng giờ trên sân Ánh sáng, thầy trò Alex vừa đá với Sunderland vừa ngóng kết quả giữa Man City và QPR ở Etihad. 

Man Utd thắng 1-0, và tưởng chừng chức vô địch Anh thứ 20 đã nằm trong tầm tay. Thế nhưng, đúng vào những giây bù giờ cuối cùng, Sergio Aguero ghi bàn ấn định chiến thắng 3-2 cho đội bóng khi ấy được dẫn dắt bởi HLV Roberto Mancini. Nhờ vậy, Man City cùng đạt 89 điểm như Man Utd nhưng trở thành nhà vô địch do chỉ số phụ tốt hơn. Lần đầu tiên sau 44 năm, nửa xanh thành Manchester vô địch giải đấu cao nhất nước Anh.

Bàn thắng của Aguero
 
 

Mùa 2012-2013: Man Utd đăng quang lần thứ 20 & Cuộc chia ly của Alex Ferguson.

Một năm sau cú vấp cay đắng, Man Utd quyết tâm giành lại những gì thuộc về mình. Đầu mùa, Robin van Persie chia tay Arsenal để đến với “Quỷ Đỏ”. Phong độ chói sáng của tân binh người Hà Lan là tiền đề để Man Utd đạt 71 điểm sau vòng 29, bỏ rất xa đội xếp thứ hai Man City (59 điểm). Đây cũng là giai đoạn các đại gia khác suy yếu. Tottenham vươn lên xếp thứ ba, theo sau lần lượt là Chelsea, Arsenal và Liverpool.

Chín vòng cuối, Man Utd vẫn là đội ngự trị trên đỉnh cao và đạt 89 điểm trong ngày hạ màn. Man City bị biến thành cựu vương, nhưng vị trí thứ hai với họ cũng được xem là thành công với 11 điểm ít hơn. Tottenham thì trải qua chặng nước rút tồi tệ và văng ra khỏi top 4. Hai tấm vé còn lại dự Champions League thuộc về Chelsea và Arsenal.

Điểm nhấn của mùa này, đó là cuộc chia ly với Alex Ferguson. “Ông già gân” Scotland không chỉ là huyền thoại của Man Utd, mà còn là nhân vật vĩ đại nhất của giải Ngoại hạng Anh. Với chức vô địch nước Anh lần thứ 20, ông chia tay trên đỉnh cao chói lọi. Cho đến nay, đó vẫn là lần gần nhất Man Utd ngự trị ngai vàng bóng đá Anh.

Mùa 2013-2014: Cú trượt chân Gerrard và nỗi hận của Liverpool.

Sau khi Sir Alex "rửa tay gác kiếm", Man Utd suy yếu, dẫn đến sự hỗn loạn của giải Ngoại hạng Anh. Liverpool trỗi dậy mạnh mẽ, và đua tranh ngôi vô địch với các đại gia khác. Đây cũng là mùa giải Jose Mourinho trở lại Chelsea.

Ở vòng 29, Chelsea dẫn đầu với 66 điểm. Liverpool và Arsenal xếp sau với 59 điểm và cùng đá ít hơn một trận. Nhưng Man City là đội bóng tiềm tàng sức mạnh và khả năng đua tranh. Đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Manuel Pellegrini có 57 điểm, nhưng còn đến ba trận chưa đấu. Nếu đá đủ và thắng trọn vẹn ba trận đó, họ sẽ cùng được 66 điểm như Chelsea.

Man City đã không bỏ lỡ. Nhưng mấu chốt là việc Liverpool tự bắn vào chân mình. Ở vòng 34, với phong độ chói sáng của các ngôi sao Luis Suarez, Daniel Sturridge, Raahem Sterling, Steven Gerrard hay Philippe Coutinho… “Lữ đoàn đỏ” trực tiếp đánh bại Man City để chiếm thế thượng phong trong cuộc đua vô địch. Nhưng đến vòng 36, họ để thua Chelsea 0-2 trên sân nhà Anfield - trong đó, bàn thua đầu đến từ cú trượt chân của Gerrard. Ở vòng đấu tiếp theo, Liverpool lại sảy chân và để Crystal Palace cầm hòa 3-3, dù đã dẫn trước ba bàn tính đến phút 78.

Chỉ chờ có thế, Man City vượt lên, để rồi kết thúc mùa giải ở ngôi cao nhất với 86 điểm. Liverpool chấp nhận về thứ hai với hai điểm ít hơn. Man Utd kết thúc mùa giải thảm họa ở vị trí thứ bảy. 

Cú trượt chân của Gerrard
 
 

Mùa giải 2014-2015: Vinh danh “Người Đặc Biệt” Mourinho.

Mùa giải đầu tiên trở lại nước Anh nhưng không thu về kết quả như ý, HLV Jose Mourinho chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng cho mùa tiếp theo. Ông đem liền ba ngôi sao của giải La Liga là Diego Costa, Cesc Fabregas và Felipe Luis về Stamford Bridge.

Chelsea nhanh chóng vượt lên và ngạo nghễ dẫn đầu Ngoại hạng Anh sau vòng 29 - cũng giống như mùa trước đó. Nhưng lần này họ nhiều hơn đội xếp thứ hai Man City tới sáu điểm cùng một trận đá ít hơn. Và không có bất ngờ nào xảy ra. Chelsea đăng quang với 87 điểm. Man City thêm một lần trở thành đội á quân được 79 điểm, Arsenal 75 điểm và Man Utd trở lại top 4 với 70 điểm.

Trong khi đó, ba đội bóng phải xuống chơi tại giải hạng Nhất mùa sau đó là Hull City, Burnley và QPR. Một điểm nhấn mà không nhiều người chú ý ở mùa giải này, đó là việc Leicester trụ hạng thành công. Ở vòng 29, “Bầy cáo” còn xếp bét bảng với 19 điểm, cách nhóm trụ hạng tới bảy điểm. Nhưng trong chặng đường còn lại, Jamie Vardy và các đồng đội giành 22 trên 27 điểm tối đa. Chính cú nước rút thần kỳ đó đã tạo nên một thiên sử cho giải Ngoại hạng Anh mùa kế tiếp.

Mùa giải 2015-2016: Câu chuyện cổ tích mang tên Leicester City.

Sau khi trụ hạng thành công, Leicester chia tay HLV Nigel Pearson và gắn bó với Claudio Ranieri. Trở lại nước Anh, nhà cầm quân Italy mang về một số cái tên còn vô danh như N’Golo Kante, Shinji Okazaki, Christian Fuchs, Daniel Amartey, Demarai Gray hoặc tưởng chừng đã hết thời Robert Huth, Gokhan Inler. Cả thảy mùa ấy, ông chỉ tiêu30 triệu USD cho chuyển nhượng.

Không ai lường được rằng “Gã thợ hàn” cùng với các tân binh, kết hợp với đội ngũ sẵn có của Leicester như Vardy, Riyad Mahrez, Kasper Schmeichel, Wes Morgan… lại tạo ra một mùa giải nhuốm màu sắc huyền sử cho giải Ngoại hạng Anh. Trong khi các đại gia Man Utd, Man City, Liverpool, Arsenal và đặc biệt là đương kim vô địch Chelsea lụn bại, Leicester lại chơi bóng như thể thập niên 1960.

Sau vòng 29, Leicester đứng đầu bảng với 60 điểm, theo sau là Tottenham với 55 điểm. Sau đó lần lượt là Arsenal (52 điểm), Man City (50 điểm), West Ham (49 điểm), Man Utd (47 điểm), Liverpool (44 điểm)… Chelsea lúc này đứng thứ 10, còn HLV Mourinho đã bay ghế từ lâu.
Cho đến khi vòng 38 khép lại, Arsenal thay Tottenham chiếm vị trí thứ hai. Man City giành vé Champions League dù có cùng 64 điểm như Man Utd, còn “Quỷ đỏ” ngậm ngùi đi Europa League do thua kém chỉ số phụ. Nhưng có một vị trí bất di bất dịch - đó chính là ngôi đầu của Leicester. Trước mùa, tỷ lệ cho khả năng vô địch của họ 5.000/1 (đặt 1 ăn 5.000), thấp hơn bất cứ đội bóng nào khác.

Mùa 2016-2017: Cuộc cách mạng chiến thuật của Conte.

Tạo nên cột mốc thần kỳ cho Leicester nhưng ở ngay mùa giải kế tiếp, HLV Ranieri như trúng phải lời nguyền giống với Mourinho, và phải ra đi sau chuỗi thành tích bết bát của nhà đương kim vô địch. Nhà cầm quân người Italy không trụ nổi đến vòng 29 - khi Leicester đứng thứ 15.

Trái lại, Chelsea chơi cực kỳ thăng hoa cùng vị tướng mới Antonio Conte. Tinh thần chiến binh mà cựu thuyền trưởng Juventus thổi vào đội bóng áo xanh ngay lập tức phát huy tác dụng. Mặc cho Mourinho đến Man Utd, kệ cho Pep Guardiola nhậm chức ở Man City, Chelsea của Conte chơi thứ bóng đá chắc chắn, hiệu quả đến nỗi cả giải Ngoại hạng Anh thi nhau áp dụng sơ đồ 3-5-2 và các biến thể giống như Chelsea.

Kết thúc mùa giải, thầy trò Conte đạt 93 điểm. Tottenham đứng thứ hai với bảy điểm ít hơn, trong khi Man City xếp thứ ba. Liverpool chiếm nốt suất còn lại trong top 4 với 76 điểm, nhiều hơn Arsenal đúng một điểm. Man Utd cán đích thứ sáu được 69 điểm, nhưng vẫn giành vé Champions League mùa sau nhờ vô địch Europa League.

Ba đội bóng phải chia tay Ngoại hạng Anh là Hull City, Middlesbrough và Sunderland. Họ vốn đã xếp bét bảng từ vòng thứ 29, và duy trì thành tích đáng buồn đó đến hết vòng 38.

Mùa 2017-2018: Cuộc báo thù của Pep Guardiola.

Người hâm mộ Man Utd đã chờ đợi vào cái gọi là “mùa giải thứ hai của Mourinho”. Nhưng cuối cùng, họ phải hậm hực nhìn sang gã hàng xóm ồn ào - nơi Man City chứng tỏ sức mạnh vô song dưới trướng Guardiola.

Thực tế, ngôi vương được định đoạt ngay sau giai đoạn một. Sau vòng 19, Man City đạt 55 điểm, nhiều hơn đội xếp thứ hai Man Utd tới 13 điểm. Còn sau vòng 29, khoảng cách là 16 điểm. Chung cuộc, Man City vô địch Ngoại hạng Anh với 100 điểm, còn Man Utd về nhì với 81 điểm. Hai suất đi Champions League còn lại thuộc về Tottenham và Liverpool. 

Mùa giải 2018-2019: Nghẹt thở cuộc đua Man City - Liverpool.

Liverpool đã chơi mùa giải tốt bậc nhất lịch sử. Họ vô địch Champions League một cách xứng đáng, và đua tranh nghẹt thở chức vô địch Ngoại hạng Anh với Man City.

Sau vòng 29, Man City dẫn đầu nhờ 71 điểm, còn Liverpool theo sát như hình với bóng và chỉ kém đối thủ đúng một điểm. Thống kê từ Sky Sports, trong chiều dài lịch sử từ khi ra đời năm 1992, Ngoại hạng Anh mới chứng kiến năm đội bóng giành trọn vẹn 27 điểm ở chín vòng cuối. Và hai trong số đó thuộc về Man City và Liverpool mùa này. Và bởi thế, khoảng cách một điểm tưởng chừng mong manh đã được duy trì cho đến khi vòng đấu thứ 38 khép lại. Man City đăng quang lần thứ hai liên tiếp với 98 điểm, còn Liverpool, được 97 điểm, trở thành đội về nhì cao điểm nhất lịch sử.

Quang Minh (theo Sky Sports)