Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chỉ đạo, trong năm 2007 ngành tòa án tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, khắc phục tình trạng oan sai. Trước tình hình hội nhập quốc tế, gia nhập WTO, ngành gấp rút rà soát lại các văn bản, quy định để điều chỉnh, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Chiều 9/1, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã trao huân chương độc lập hạng nhất cho ông Phạm Hưng (nguyên chánh án TAND Tối cao), huân chương lao động hạng nhì cho Chánh án Nguyễn Văn Hiện. Hai phó chánh án Trần Văn Tú và Nguyễn Như Bích nhận huân chương lao động hạng 3. |
Thực tế hiện nay, năng lực của một bộ phận thẩm phán còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Tình trạng án bị hủy, sửa, bỏ lọt tội phạm không giảm; sức thuyết phục của bản án đã tuyên chưa cao. Thực trạng này từng được Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Hiện giải trình trước kỳ họp Quốc hội vừa qua. Một trong những nguyên nhân được người đứng đầu ngành tòa án phân trần vì thiếu thẩm phán nên phải "chiếu cố" bổ nhiệm một số trường hợp. Trong xét xử, có thẩm phán áp dụng các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo không chính xác. Phiên sơ thẩm xét xử tiêu cực ở Đồ Sơn với việc 3 quan chức chỉ bị phạt cảnh cáo là điển hình.
Báo cáo trước hội nghị ngành tòa án, Phó chánh án TAND Tối cao Trần Văn Tú cho biết, chất lượng xét xử các vụ án hình sự tiếp tục được nâng lên. "Năm 2006 không có trường hợp nào tòa án kết oan người vô tội và phải bồi thường theo nghị quyết 388", ông Tú thông báo.
Trong năm 2006, các tòa án đã nhận 27 đơn yêu cầu bồi thường của bị kết án oan từ trước năm 2000. 21 trường hợp đã được tổ chức xin lỗi công khai, đăng cải chính trên báo, bồi thường 5,3 tỷ đồng. Theo ông Tú, ngành thụ lý 11 vụ án dân sự, người bị oan khởi kiện các cơ quan tố tụng về bồi thường theo nghị quyết 388. 8 vụ trong số này đã được đưa ra xét xử. Tỷ lệ này so với các năm trước đã giảm nhiều, vì các cơ quan tố tụng đã giải quyết cơ bản yêu cầu của người bị oan thuộc trách nhiệm của mình.
Anh Thư