Phần lớn bệnh nhân tiêu chảy cấp có sử dụng rau sống. Ảnh: T.N. |
Theo Bộ Y tế, việc bón rau bằng phân tươi là nguồn lây nhiễm phẩy khuẩn tả và các vi khuẩn gây bệnh đường ruột khác, thủ phạm gây ra dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đang bùng phát ở Hà Nội và 7 tỉnh ở miền Bắc.
Người nhiễm tả có thể không có triệu chứng hoặc chỉ giống tiêu chảy thường. Ở thể điển hình, bệnh nhân sôi bụng, đầy bụng, tiêu chảy vài lần, sau đó thì đi ngoài liên tục với khối lượng lớn, có khi hàng chục lít một ngày. Phân tả toàn nước, màu trắng lờ đục như nước vo gạo, không có nhầy máu. Bệnh nhân nôn rất dễ dàng (lúc đầu ra thức ăn, sau toàn nước), thường không sốt, ít khi đau bụng. Do mất nước và điện giải, người bệnh mệt lả, bị chuột rút. Ở thể tối cấp, bệnh nhân bí tiểu, suy kiệt nhanh chóng sau vài giờ và tử vong. |
Trong đợt dịch diễn ra cuối năm 2007, Thứ trưởng Huấn và các chuyên gia Bộ Y tế đã đi thị sát các vùng trồng rau ở nhiều địa phương, nhất là Hà Tây, nguồn cung cấp rau lớn cho thủ đô Hà Nội. Ông Huấn nhận thấy rất nhiều gia đình vẫn dùng phân tươi tưới rau, kể cả các loại rau sống.
Trong mấy trăm bệnh nhân tiêu chảy nhập viện kể từ đầu tháng 3 đến nay, phần lớn đều từng ăn rau sống. Bác sĩ Nguyễn Thị Tường Vân, Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, khẳng định: "Rau sống chắc chắn là nguyên nhân gây ra đợt tiêu chảy cấp nguy hiểm này".
Cho dù rửa kỹ và ngâm nước muối thật cẩn thận, lượng vi khuẩn trong rau sống cũng chỉ mất đi tối đa là 60%. Đó là chưa kể ở các quán ăn, rau sống không bao giờ được rửa kỹ. Vì vậy nếu như người nông dân chưa bỏ tập quán tưới rau bằng phân tươi, nguồn nước tưới từ ao hồ cống rãnh vẫn tiềm ẩn mầm bệnh tả thì món rau sống chắc chắn vẫn là mối đe dọa lớn.
"Tốt nhất là tuyệt đối không ăn rau sống!" - bác sĩ Tường Vân nói.
Hiện nay, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đang bùng phát mạnh nhất ở Hà Nội. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế, cho biết từ đầu tháng 3 đến nay thành phố có 200 bệnh nhân tiêu chảy cấp. Tính đến 24/3, đã có 29 bệnh nhân đã được khẳng định nhiễm tả, các bệnh phẩm sau đó đang chờ kết quả xét nghiệm. Dịch đã có mặt ở 8 quận huyện, đông nhất là Đống Đa và Hoàng Mai. Tuy nhiên, theo ghi nhận của các bệnh viện, quận huyện nào cũng đều đã có người mắc tiêu chảy cấp.
Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã lấy gần 170 mẫu thịt chó, mắm tôm, rau sống, nước sinh hoạt, nước rửa tay để xét nghiệm; kết quả là một số mẫu nước bề mặt có vi khuẩn tả. Các loại rau được tưới hay rửa bằng nước này sẽ mang mầm bệnh đi các nơi và truyền cho người ăn.
Để ngăn dịch, ngoài việc khẩn cấp xử lý các ổ dịch, điều trị bệnh nhân và dự phòng cho những người liên quan, Sở Y tế Hà Nội đang đề nghị Bộ tổ chức uống văcxin tả cho người dân toàn thành phố, thay vì chỉ tập trung ở vài điểm nóng như trước.
Hải Hà