Chiều 12/9, Bộ Y tế đã ký văn bản khẩn gửi Bộ Công an, Bộ Tài nguyên & Môi trường về việc lập đoàn kiểm tra vấn đề thực hiện quy chế quản lý chất thải bệnh viện. Dự kiến sẽ có hai đoàn đi đến các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc ở cả hai miền Bắc - Nam. Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, Bộ cũng chỉ đạo các sở lập đoàn kiểm tra về vấn đề này và xử lý nghiêm vi phạm.
Cùng ngày, Bộ Y tế cũng có cuộc họp về xử lý chất thải y tế. Ông Nguyễn Đức Mục, Vụ phó vụ Điều trị, cho biết cả nước hiện chỉ có 2 trung tâm xử lý chất thải y tế quy mô, đặt tại TP HCM và Hà Nội; cùng khoảng 80 lò đốt đặt ở nhiều nơi. Số lượng như vậy còn thiếu, chứ chưa bàn đến chất lượng.
Hiện rác thải bệnh viện ở Việt Nam được xử lý theo hai cách là đốt và chôn lấp. Việc đốt bằng lò thủ công (thường áp dụng ở tuyến tỉnh) sẽ sinh ra nhiều chất độc, còn chôn lấp sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước. Theo Vụ trưởng vụ điều trị Lý Ngọc Kính, nhiều nước có xu thế tái chế chất thải bệnh viện bằng nhựa "sạch" (nghĩa là không dính máu, không đựng kháng sinh, hoá chất... và đã qua khử khuẩn). Với lò đốt chuyên dụng nhiệt độ rất cao, mầm bệnh bị tiêu diệt, giúp tránh ô nhiễm và ngăn lãng phí. Tuy nhiên ở Việt Nam, việc tái chế rác y tế vẫn đang bị nghiêm cấm, bởi chưa có hệ thống khử khuẩn hiện đại như vậy.
Tuy nhiên, trong cuộc họp chiều 12/9, các chuyên gia đề xuất bổ sung vào quy chế quản lý chất thải y tế việc cho phép tái chế những loại rác sạch. Những loại chất thải được coi là có thể sử dụng gồm chai huyết thanh, dây truyền không dính máu, chai huyết thanh sau khi cắt đầu nhọn trên và dưới, bao bì các tông và nylon đóng gói sản phẩm. Tuy nhiên, để có thể cho phép tái chế rác thải y tế "sạch", cần có những quy định chặt chẽ về việc bán cho ai, ai được phép tái chế, tái chế thành những sản phẩm gì...
H.H.