Ông Trần Quý Tường. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Sau khi nhận được ý kiến phản bác từ Bộ Tư pháp cũng như người dân, chiều 27/10, Bộ Giao thông vận tải và Y tế đã họp bàn. Theo ông Trần Quý Tường, dư luận chủ yếu đặt câu hỏi quanh hai vấn đề liên quan đến tính kỹ thuật và cơ sở pháp lý của các quyết định ban hành tiêu chí sức khỏe lái xe.
Theo ông Tường, Bộ Y tế ban hành quyết định là đúng theo thẩm quyền, trước khi ban hành có lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. Về kỹ thuật, 83 tiêu chí khám sức khỏe là nêu chung, chứ không áp dụng hết cho 2 hạng giấy phép lái xe A1 và B1. "Thực tế, lấy bằng lái hạng A1 chỉ phải khám hơn 40 tiêu chí. Việc khám cũng chỉ mất 5-10 phút và khoảng 60.000 đồng", ông Tường khẳng định.
Ngoài ra, người dân không nhất thiết phải có tất cả chữ ký 13 bác sĩ chuyên khoa trong giấy khám sức khỏe lái xe. Chỉ cần một, hai bác sĩ đủ năng lực khám đủ các yêu cầu là được.
Nếu quyết định của Bộ Y tế được thông qua, nhiều người 'thấp bé nhẹ cân' sẽ mất quyền lái xe. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Theo ông Tường, so với tiêu chuẩn sức khỏe đã ban hành (năm 2001), tiêu chí lần này không phức tạp hơn hay gây khó dễ thêm cho người dân. Vì thế, Bộ Y tế không tính đến chuyện tinh giản số tiêu chí trong giấy khám sức khỏe. Các yêu cầu như nặng dưới 40 kg hay thấp hơn 1,45 mét không được lái xe trên 50 cm3 sẽ vẫn bảo lưu.
Trả lời câu hỏi về trọng lượng con người là không cố định, còn chiều cao có thể giảm sút theo tuổi tác ông Tường cho biết: "Nếu lúc khám lần đầu đạt chuẩn thì khi khám định kỳ, Bộ sẽ hướng dẫn các cơ sở y tế du di tiêu chí này, nếu người khám vẫn ở ngưỡng xấp xỉ mà sức khỏe tốt là đạt yêu cầu".
Thăm dò độc giả trên VnExpress.net từ ngày 18 - 28/10. Ảnh chụp màn hình. |
Vị Phó cục trưởng này cho biết thêm, vì sợ phức tạp nên lúc soạn thảo, Bộ Y tế không đưa các hướng dẫn cụ thể vào bản tiêu chí. Thời gian tới, Bộ ban hành hướng dẫn khám sức khỏe lái xe dành riêng cho thầy thuốc. Các bác sĩ căn cứ vào đó để linh hoạt khám cho người dân.
Nguyễn Hưng