Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều 3/7, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định cơ quan này kiên quyết xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí.
"Vừa qua, Bộ đã thu thẻ nhà báo của Lê Duy Phong báo Giáo dục Việt Nam. Tới đây chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công an tiếp tục xem xét, xử lý một số phóng viên liên quan trong vụ này", ông Tuấn cho hay.
Phát biểu sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu trong vụ ông Lê Duy Phong bị cơ quan chức năng bắt giữ ở Yên Bái có hai việc. Với cán bộ thì phải điều tra, thanh tra, từ đó có kết luận và đưa ra hình thức xử lý. "Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu chỉ đạo đoàn công tác kết luận rõ ràng vụ việc liên quan đến Giám đốc Sở ở Yên Bái, không để dư luận xấu", Thủ tướng nói.
Ngoài ra, với tổng biên tập, phóng viên, khi cơ quan chức năng và chủ quản phát hiện có sai phạm, điển hình như vụ Yên Bái, thì phải xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thông tin truyền thông. "Nhà báo tiêu cực, tham nhũng, hối lộ như vậy thì phải xử lý rõ ràng. Nhân dịp này chấn chỉnh một bước, không để tình trạng đó tiếp diễn", Thủ tướng nói và nhấn mạnh thực trạng trên là "vô cùng nguy hiểm".
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng đề cập hiện tượng các phóng viên liên kết với nhau thành một số nhóm "đánh hội đồng" doanh nghiệp bằng cách thức "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ"; nghĩa là sáng đăng bài, trưa mời đi nhậu, gặp gỡ nhận phong bì, và chiều về gỡ bài.
Lãnh đạo Bộ Thông tin đề nghị các cơ quan chủ quản báo chí nêu cao trách nhiệm của mình, nhất là các ngành, hiệp hội vì hiện nay "hầu như cơ quan chủ quản đứng ngoài, trách nhiệm đang đổ cho cơ quan quản lý nhà nước".
Lắng nghe Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề cập đến hiện tượng trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là "thực trạng nhức nhối"; vừa qua Bộ Công an đã có báo cáo để phối hợp với các cơ quan xử lý và chấn chỉnh.
Trước đó ngày 22/6 tại Yên Bái, Lê Duy Phong bị công an thành phố bắt quả tang nhận 50 triệu đồng từ một doanh nghiệp trong nhà hàng. Anh này bị khởi tố về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và bị tước thẻ nhà báo.
Tổng biên tập báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Bình cho biết Lê Duy Phong làm việc tại báo từ năm 2014, bị bắt khi đang đi chơi riêng, không trong lịch trình làm việc.
Lê Duy Phong từng trực tiếp tìm hiểu, viết bài phản ánh tình hình quản lý, sử dụng đất đai ở tỉnh Yên Bái, trong đó đề cập ngôi nhà của Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái. Hai bài quan trọng nhất trong tuyến bài này đã được đăng.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho hay, thời gian qua, Bộ đã triển khai cơ chế liên quan đến việc gỡ bỏ thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Đến nay, các cơ quan chức năng đã đề nghị và gỡ bỏ được 2.004 video xấu độc trên Youtube. Về phía Facebook cũng cam kết phối hợp với Bộ ưu tiên gỡ bỏ tài khoản giả danh, giả mạo các cá nhân, tổ chức; đồng thời thiết lập một kênh riêng ưu tiên đăng các yêu cầu của bộ Thông tin truyền thông. "Đến nay, theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức đã gỡ bỏ 106 tài khoản Facebook giả mạo, một kênh phản động với 500 video, 132 tài khoản phản động nói xấu lãnh đạo cấp cao", ông Tuấn nói. |