Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng. Ảnh: H.K. |
Sau khi nghe Chính phủ và Thường vụ Quốc hội báo cáo giám sát về việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, 14 đại biểu tham dự phiên họp đã phân tích, mổ xẻ một số nhức nhối của giao thông VN.
Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng mở màn: "Năm 2003-2005, tai nạn giao thông giảm, tại sao các năm 2006-2008 lại tăng?". Chung bức xúc này, đại biểu Trần Du Lịch lên tiếng: "2 báo cáo của Chính phủ và Thường vụ Quốc hội đều nói tai nạn giảm, nhưng mỗi năm số người chết do tai nạn giao thông ở VN gấp 4 lần số nạn nhân vụ 11/9 của Mỹ (khoảng 13.000 người). Bộ trưởng nói 70% tai nạn là lỗi do xe gắn máy, vậy chiến lược giảm xe gắn máy như thế nào?".
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận từ năm 2006, công tác quản lý nhà nước về an toàn giao thông có trùng xuống. Số vụ tai nạn giao thông còn cao, có nhiều nguyên nhân, trong đó kết cấu hạ tầng giao thông chưa tương xứng với nhu cầu, ý thức người tham gia kém và "bao trùm là sự yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông".
Ông Dũng dẫn chứng là Bộ đã lúng túng khi tham mưu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân. Hệ quả là lượng ôtô, xe máy không giảm mà còn tăng. Nếu như năm 2002-2003, mỗi năm chỉ tăng 1 triệu xe máy thì năm sau đó đã tăng lên 2 triệu và năm 2007 tăng 3 triệu xe (hiện có 21,7 triệu xe). "Kinh tế phát triển, giá xe lại giảm mạnh, có loại chỉ 5-6 triệu đồng, nên người dân đã đua nhau sắm xe máy", ông Dũng nói.
Cả nước có tới 21.720.000 xe máy. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo dõi chất vấn qua truyền hình, đại biểu Trần Thị Kim Phượng đã gửi câu hỏi qua đường dây nóng đề nghị Bộ trưởng nói rõ thời điểm và những giải pháp để hạn chế phương tiện cá nhân. "Muốn hạn chế cần có lộ trình, mà tình hình như thế này thì không thể một sớm một chiều hạn chế được", ông Dũng khẳng định. Giải pháp đầu tiên là ưu tiên phát triển phương tiện công cộng, như xe buýt. Hiện 44 tỉnh thành đã có xe buýt. Cùng với đó là việc nâng cấp hệ thống đường xá, gồm cả đường bộ, đường sắt, metro.
"TP HCM đang thực hiện dự án tàu điện ngầm, Hà Nội cuối năm nay hoặc đầu năm sau sẽ khởi công đường sắt trên cao. 5-10 năm nữa chúng ta mới có hệ thống giao thông đồng bộ", người đừng đầu ngành giao thông nói.
Tham dự phiên chất vấn, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phân tích nếu hạn chế xe máy, cụ thể là cắt sản xuất xe trong nước thì hàng nước ngoài sẽ vào, trong khi VN đã vào WTO thì không được hạn chế nhập khẩu. Hơn nữa, hiện nay cầu trong nhân dân vẫn còn. "Để hạn chế xe máy thì cần chuyển sang phương tiện giao thông công cộng, thậm chí phải tăng cường tuyên truyền xây dựng nếp sống đi bộ. Việc này đòi hỏi sự hy sinh, chia sẻ của người dân vì lợi ích chung. Ai cũng bảo vì sự tiện lợi của mình thì rất khó", ông Hải nói.
Ban hành chính sách cấm xe ba bánh quá vội vàng
Dẫn ra thực tế Tây Ninh đang rất lúng túng trong việc tìm xe thay thế xe lôi, xe ba gác, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai nói: "Có nhiều lúc Bộ ban hành văn bản còn nóng vội, không khảo sát, đánh giá tác động tới người dân trước khi ban hành chính sách. Dường như ta chỉ thấy trước mắt mà không tính đến lâu dài. Đề nghị Bộ trưởng đánh giá trách nhiệm người đứng đầu trong vấn đề này".
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cũng bức xúc cho rằng Chính phủ đã quá vội vàng khi ban hành chính sách cấm xe ba bánh, không tham khảo ý kiến người dân, cuối cùng phải điều chỉnh chính sách. "Nhưng kể cả khi điều chỉnh thì cử tri vẫn bức xúc, vì mua phương tiện thay thế xe ba bánh đắt gấp 2-3 lần xe đang dùng. Dân hỏi Chính phủ bây giờ phải mua xe nào để mưu sinh?", bà Ba nêu câu hỏi.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng (trái) trao đổi với đại biểu tại giờ giải lao. Ảnh: H.K. |
Bộ trưởng Dũng trả lời gần đây, xuất hiện rất nhiều xe lôi, xe ba gác. Việc cấm các loại xe này là tuân thủ Luật giao thông đường bộ, cũng như nghị quyết 32 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông. Nhưng khi triển khai có địa phương làm, có địa phương không.
Để tháo gỡ khó khăn cho người dân, Bộ đã đề xuất Chính phủ kéo dài lộ trình thay thế xe thô sơ, xe ba gác, giao nhiệm vụ cho địa phương có chính sách chuyển đổi phương tiện, hỗ trợ chuyển đổi nghề, quy định phạm vi lưu hành loại xe này. Chính phủ cũng chỉ đạo xe ba bánh đã có thì hợp thức hóa bằng cách đăng ký lưu hành, nhưng không được sản xuất và đăng ký mới.
Giải thích cho hành động trên, Bộ trưởng Dũng dẫn ra bài học xe hai bánh, khi các nước ngưng lưu hành thì chúng tràn vào VN và do lơi lỏng quản lý nên đến bây giờ không kiểm soát nổi. "Xe ba bánh các nước bắt đầu ngưng, giờ lại tràn vào VN. Tình hình rất phức tạp, đòi hỏi phải hạn chế lưu thông loại xe này. Rất mong được sự đồng cảm của người dân", Bộ trưởng Dũng thấp giọng.
Trao đổi về vấn đề này, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông. "Tuy vậy, việc soạn thảo và hướng dẫn vẫn còn bất cập, có lúc chưa tổ chức hội thảo, lấy ý kiến của người dân và bộ ngành. Một số chính sách đưa ra chưa lường hết những bất cập, một số chưa đúng thẩm quyền. Chính phủ tiếp thu ý kiến và sửa đổi kịp thời", ông Hải cam kết.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải (ngoài cùng bên trái) và Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao đổi ngoài lề. Ảnh: H.K. |
Ngoài 2 vấn đề nêu trên, các đại biểu đã đề cập đến việc chậm trễ trong một số công trình giao thông như cầu Thanh Trì, đường vành đai 3 của Hà Nội. Riêng đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai phản ánh: "Đi tiếp xúc, cử tri rất bức xúc trước tình trạng tiêu cực, mãi lộ của cảnh sát giao thông, nhưng tại sao cả báo cáo của Chính phủ và báo cáo giám sát của Thường vụ Quốc hội đều không đề cập? Chính phủ đã làm gì để lấy lại niềm tin của nhân dân?".
Thay mặt Bộ trưởng Công an, Thứ trưởng Trần Đại Quang khẳng định Bộ đã rất quyết liệt chống tiêu cực, nhất là trong lực lượng cảnh sát giao thông, vốn được coi là "mặt tiền" của ngành. Thứ trưởng Quang đã liệt kê một loạt biện pháp chống tiêu cực, từ tuyên truyền đến thành lập lực lượng kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm dứt khoát xử lý, loại bỏ cán bộ ra khỏi ngành.
"Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được cũng có một số tiêu cực. Năm 2007, Bộ đã xử lý 143 trường hợp, trong đó có tước danh hiệu, cắt chức, hạ bậc lương", ông Quang cho biết và đề nghị báo chí tích cực giám sát, thông tin cho ngành những trường hợp tiêu cực. "Chúng tôi cam kết nếu lãnh đạo nào để sự việc này rơi vào im lặng thì sẽ kiên quyết xử lý", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Hồng Khánh