Một buổi tối cuối tháng 8, nhóm 10 người Venezuela tới gõ cửa nhà Carmen Carcelen ở Juncal, phía bắc Ecuador xin ở nhờ, bởi họ được biết cánh cửa ngôi nhà này luôn rộng mở đón những người di cư khốn khổ. Hai tình nguyện viên lập tức mời các vị khách mới bỏ hành lý xuống và mang cho mỗi người một bát súp nóng hổi.
Carcelen vừa đọc kinh thánh vừa giải thích quy tắc của ngôi nhà cho những người mới đến: giữ không khí hòa bình, rửa bát sau khi ăn, không hút thuốc và uống rượu bia, giao nộp tất cả vũ khí mang theo người, kể cả dao. Bất cứ ai từ chối tuân theo các quy tắc này đều được mời ra khỏi nhà.
"Đồ ăn, giường ngủ, điện nước bạn sử dụng ở đây đều miễn phí", Carcelen nói với họ.

Những người di cư trú ngụ tại nhà của Carcelen. Ảnh: Al Jazeera.
Không chỉ cung cấp thức ăn, chỗ ngủ, Carcelen còn luôn dành cho người di cư tới đây những cử chỉ quan tâm như một cái ôm khi họ cần hoặc giúp họ xoa bóp đôi chân nhức mỏi sau nhiều ngày đi bộ.
Trong hai năm qua, người phụ nữ 48 tuổi này đã luôn mở rộng cửa đón người di cư Venezuela, giúp họ có một nơi trú chân tạm thời trên hành trình đầy khó khăn và nguy hiểm. Từ tháng 8/2017 đến nay, Carcelen đã giúp đỡ hơn 8.500 người Venezuela tìm đến đây.
Số người di cư Venezuela tìm đến Ecuador tăng vọt sau khi chính phủ nước này ra luật mới về thị thực nghiêm ngặt hơn. Mỗi ngày có tới 4.500 người Venezuela đến biên giới để tìm cách vào Ecuador trước 26/8, ngày luật thị thực mới có hiệu thực, gần gấp đôi so với con số 2.500 người trước đó. Họ rời bỏ đất nước để chạy trốn nghèo đói, siêu lạm phát cũng như tình trạng thiếu lương thực và thuốc men nghiêm trọng.
Số người tìm đến nhà Carcelen cũng tăng gấp ba trong thời gian đó, từ 100 lên 300 người mỗi ngày. Carcelen cho biết nhà cô chỉ đủ chỗ cho 150 người mỗi đêm, nên cô sẽ ưu tiên các gia đình có con nhỏ.
Carcelen chia sẻ trước đây cô không có ý định biến nhà riêng của mình thành nơi cư trú cho người di cư, nhưng mọi chuyện thay đổi vào năm 2017, khi vợ chồng cô lái xe trên cao tốc và nhìn thấy một người đàn ông trong nhóm người di cư ngã quỵ bên lề đường vì kiệt sức.
Vợ chồng Carcelen đã đón nhóm người này về nhà và cho họ nghỉ lại một đêm. Sau đó, nhà của Carcelen dần trở thành nơi trú chân cho ngày càng nhiều người di cư. Họ tìm đến đây thông qua giới thiệu của những người di cư khác hoặc hàng xóm của Carcelen.
Ngôi nhà ba tầng của vợ chồng Carcelen nằm trên tuyến đường chính chạy qua biên giới Colombia - Ecuador, nơi phần lớn trong số 1,7 triệu người di cư Venezuela vào Ecuador từ năm 2015 đi qua. Cô dành riêng tầng ba để làm chỗ ngủ cho người di cư tới đây với một quy tắc: đàn ông sẽ ngủ riêng trong một phòng lớn có nệm trải trên sàn, còn phụ nữ và trẻ em sẽ ngủ ở hai phòng nhỏ hơn có giường tầng.
Edgar Soto và vợ Yennifer Peralta đã vào được Ecuador ngay trước khi luật thị thực mới có hiệu lực. Hai vợ chồng đã đi bộ hơn 10 giờ trước khi được một tài xế xe tải giúp đưa đến nhà của Carcelen.
Đây đã là ngày thứ 19 trong hành trình từ Venezuela, qua Colombia và đến Ecuador của vợ chồng Soto, và phần lớn thời gian họ đều đi bộ. Họ đã có 6 đêm phải ngủ ngoài đường và nhiều lần thoát chết trong gang tấc trước sự tấn công của những kẻ cướp dọc đường, trước khi đến được nhà Carcelen.

Carcelen (đeo tạp dề trắng) giúp điều trị vết rộp dưới chân một người di cư. Ảnh: Al Jazeera.
"Tôi không dám tưởng tượng mình sẽ đến được đây và nghĩ rằng đêm nay lại tiếp tục phải ngủ ngoài đường", Soto chia sẻ khi ở nhà Carcelen. "Tôi tin khi bạn trải qua hết mọi điều tồi tệ nhất, những điều tốt đẹp nhất định sẽ tới".
Người di cư cho biết đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ người dân Ecuador dọc đường đi, nhưng rất ít người mở cửa cho họ trú chân qua đêm như Carcelen.
Trước đây, một linh mục ở thị trấn Peguche thuộc tỉnh Imbabura cũng mở nơi tạm trú giống như nhà Carcelen, nhưng đã bị yêu cầu đóng cửa sau đó do phát hiện nhiều vụ trộm cắp của người di cư Venezuela ở đây.
"Tôi không nghĩ có người sẽ mở thêm các nơi cư trú như thế này nữa, bởi nó có quá nhiều rủi ro", Javier Arcentales Illescas, luật sư về nhân quyền tại Đại học Andina Simon Bolivar ở thủ đô Quito, cho hay.
Carcelen đang duy trì hoạt động của ngôi nhà đặc biệt này dựa vào nguồn thu nhập khiêm tốn từ việc buôn bán rau quả của chồng cùng những khoản quyên góp nhỏ từ các nhà hảo tâm địa phương.
Thỉnh thoảng cô cũng nhận được hàng viện trợ như chăn màn, nệm, hay ghế nhựa, song những thứ này không giúp cô giải quyết hóa đơn thực phẩm và điện nước lớn gấp nhiều lần. Điều đó khiến nhiều người lo ngại Carcelen sẽ gặp khó khăn để duy trì ngôi nhà về lâu dài.
Tuy nhiên, Carcelen khẳng định ngôi nhà của cô sẽ tiếp tục mở cửa đón người Venezuela cho tới khi các cuộc di cư này chấm dứt và họ có thể được trở về nhà.
Thanh Tâm (Theo Al Jazeera)