Gọi hồn người đã khuất. Ảnh: Dân Trí. |
Ngôi mộ tổ 600 năm của dòng họ Nguyễn Công nằm trong khu đất 5,2 ha được UBND thành phố Hà Nội quy hoạch để xây dựng hạ tầng kỹ thuật tạo quỹ đất và nhà phục vụ người có công với cách mạng. Theo thiết kế, khu vực này sẽ xây dựng 95 biệt thự, công viên cây xanh và lô nhà E. Hiện, khu biệt thự đã xây dựng được hơn một nửa, nhưng lô nhà E phải dừng lại không thi công được vì vướng ngôi mộ tổ.
Ngày 6/2, Đảng ủy và UBND phường Yên Hoà đã cùng Ban quản lý dự án vốn ngân sách mời nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đến "gọi hồn" người nằm dưới ngôi mộ tổ, mà không thông qua dòng họ Nguyễn Công. Theo Chủ tịch UBND phường Yên Hòa Nguyễn Minh Hiếu, việc gọi hồn nhằm phục vụ việc giải phóng mặt bằng, lãnh đạo phường chỉ đến dự xem kết quả.
Theo ông Đôn, nhà nước không ngăn cản tự do tín ngưỡng của người dân. Tuy nhiên, gọi hồn là hoạt động mê tín dị đoan không được khuyến khích. Đảng ủy và chính quyền phường Yên Hòa (Cầu Giấy) tham gia buổi gọi hồn ngôi mộ cổ dòng họ Nguyễn Công (để "hỏi ý" cụ tổ về việc di dời mộ) là hoàn toàn sai trái.
Không di dời mộ tổ, khó thực hiện dự án
Hiện, dòng họ Nguyễn Công vẫn chưa đồng ý cho UBND phường và ban giải phóng mặt bằng di dời ngôi mộ tổ, dù đã đồng ý di dời 18 ngôi mộ đời sau nằm trong khuôn viên này. Lý do được đưa ra là Nguyễn Công là một trong những dòng họ thành lập làng Yên Hòa - nơi có tới 19 người đỗ tiến sĩ được ghi tên tại các văn bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, đứng thứ nhì, chỉ sau làng Vẽ (Đông Ngạc, Từ Liêm) với 21 vị.
Dòng họ cũng đã có thư gửi Bí thư, Chủ tịch thành phố đề nghị được giữ lại, lãnh đạo thành phố đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc và các cơ quan chuyên môn xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Hưởng, Giám đốc Ban Quản lý dự án, ngôi mộ nằm vào vị trí đáy thang máy khu nhà nên khó có thể giữ lại.
Tại cuộc họp ngày 17/5, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, nếu không di chuyển ngôi mộ, sẽ rất khó thực hiện dự án. Trong trường hợp giữ lại, ngoài việc sẽ phải thay đổi thiết kế khu nhà, việc thi công cũng vẫn sẽ làm "động" tới ngôi mộ.
Trưởng ban quản lý di tích Sở Văn hóa Thông tin Nguyễn Doãn Tuân khẳng định, trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều ngôi mộ cổ, hơn nữa đây không phải là di tích nên việc di dời là đương nhiên.
Chính quận Cầu Giấy đã biến việc đơn giản thành phức tạp
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, quy hoạch này đã được phê duyệt từ năm 2002. Vào thời điểm đó, dòng họ Nguyễn Công đã nhất trí di dời ngôi mộ tổ và UBND phường Yên Hòa đã "bật đèn xanh" cho dòng họ xây lại ngôi mộ trên khoảng đất cạnh giếng Miếu Cả.
"Tuy nhiên, khi dòng họ đang xây dựng thì có đơn kiện, UBND phường liền tiến hành cưỡng chế phá dỡ, khiến dòng họ không di dời được ngôi mộ...", ông Tuấn nói.
Ông Vũ Đức Hưởng, Giám đốc Ban quản lý dự án cho rằng, việc chính quyền phường Yên Hòa "cho phép" di dời ngôi mộ tới phần đất lưu không cạnh Miếu Cả, sau đó lại cưỡng chế phá dỡ đã khiến dòng họ bức xúc không muốn di dời nữa.
"Vì sao bật đèn xanh" cho người ta xây mộ rồi lại cưỡng chế phá dỡ?Vì sao vào năm 2002, dòng họ này đã đồng ý di dời, bây giờ lại không đồng ý?", Phó chủ tịch UBND thành phố chất vấn Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Nguyễn Lễ và Chủ tịch phường Yên Hòa Nguyễn Minh Hiếu.
Trước sự im lặng của cấp dưới, ông Đôn khẳng định chính UBND phường Yên Hòa và UBND quận Cầu Giấy đã khiến một vấn đề từ đơn giản trở nên phức tạp. Ông cho rằng, chừng nào lãnh đạo quận Cầu Giấy và phường Yên Hòa còn chưa tìm ra được nguyên nhân vì sao dòng họ Nguyễn Công đã đồng ý di dời rồi lại đổi ý thì chưa thể giải quyết bài toán này.
Phó chủ tịch thành phố Lê Quý Đôn giao cho Sở Văn hóa Thông tin phối hợp với các sở ngành khác, tìm hiểu giá trị ngôi mộ cổ của dòng họ Nguyễn Công trước khi tiếp tục triển khai dự án xây dựng dự án, báo cáo về UBND thành phố trước 31/5. Sau khi Sở Văn hóa Thông tin báo cáo, UBND thành phố sẽ báo cáo Thành ủy và Ban Bí thư TƯ, trước khi ra quyết định cuối cùng.
"Chúng ta không nên viện dẫn đây là dự án đã được Trung ương phê duyệt nên cố làm bằng mọi giá. Hiện, chưa đến mức phải ra các quyết định cưỡng chế một cách vội vã, hãy làm tốt việc tìm hiểu giá trị đích thực của ngôi mộ tổ", ông Đôn nói.
Anh Đức