Chiến dịch giảm gánh nặng bài tập về nhà và học thêm cho trẻ của Trung Quốc đang dẫn đến sự bùng nổ các câu lạc bộ thể thao và nghệ thuật.
Truyền hình Trung ương Trung Quốc cho biết 33.000 cơ sở nghệ thuật và thể thao được khai trương chỉ trong hơn một tháng, sau khi chính phủ ban hành quy định "giảm kép" hồi cuối tháng 7, cấm dạy thêm cuối tuần và các ngày lễ, đồng thời yêu cầu các trường giảm số lượng bài tập.
Việc chính phủ siết chặt học thêm khiến các bậc cha mẹ phải tìm phương án khác nhằm đảm bảo lợi thế cạnh tranh cho con cái trong thị trường lao động và giáo dục khốc liệt ở nước này.
"Tôi nhận được điện thoại từ phụ huynh hỏi về các khóa học cho trẻ em gần như mỗi ngày", He Jianwei, chủ câu lạc bộ quyền Anh cùng tên ở phía đông Bắc Kinh, cho biết.
Vào một chiều chủ nhật đầy gió của tháng 10, những đứa trẻ đeo găng đấm bốc và bảo vệ ống chân đang đổ mồ hôi trong câu lạc bộ. Chúng đấm đá vào các miếng đệm do huấn luyện viên giữ, rít lên tiếng hét để tăng hiệu ứng sau mỗi cú đánh.
Câu lạc bộ này dạy các môn võ cho người lớn như đấu vật, đấm bốc Thái Lan... từ 2013 và bắt đầu cung cấp các lớp học thường xuyên cho trẻ em từ 4 năm trước.
Jenny Liu ngồi ở khu đón tiếp, đợi cậu con trai 7 tuổi tên Guoguo kết thúc ca học. "Chính sách giảm kép giúp chúng tôi có thời gian tập thể dục", bà mẹ 39 tuổi cho biết. Liu cho con trai đi học đấm bốc từ tháng trước, ngay sau khi trung tâm gia sư, nơi cậu bé học Toán, phải đóng cửa. "Guoguo đến đây ba lần một tuần", Liu cho hay.
Các "mẹ hổ" (tiger mother - chỉ người mẹ nghiêm khắc, khó tính, và kỳ vọng nhiều ở con) của Trung Quốc không đăng ký cho con học thể thao chỉ để chúng có việc để làm. Vai trò của các môn nghệ thuật và thể thao trong các bài kiểm tra ở trường đang tăng lên. Chính phủ đã cam kết tăng dần điểm số của các môn thể thao trong kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông. Nhiều khu vực như tỉnh Hải Nam đã liệt kê bơi lội, bóng đá, bóng rổ và bóng chuyền là những lựa chọn để học sinh lấy thêm tín chỉ.
Nỗ lực kiềm chế tình trạng "dư thừa học vấn" phản ánh sự mất cân bằng trong thị trường lao động của Trung Quốc. Khi các hộ gia đình Trung Quốc trở nên giàu có hơn, các bậc cha mẹ ưu tiên việc đi học hơn là phát triển thể chất, xem những công việc lao động phổ thông là "hình phạt" dành cho người không chăm chỉ hoặc không đủ thông minh. Điều này tạo ra sự bùng nổ các trường cao đẳng và gia sư tư nhân.
Trung Quốc hàng năm có thêm hàng triệu sinh viên tốt nghiệp đại học và nhiều người không thể tìm được việc làm phù hợp với trình độ. Số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học tăng vọt lên gần 8 triệu vào năm ngoái, tăng hơn 30% so với một thập kỷ trước, theo tính toán của Bloomberg, sử dụng dữ liệu từ Bộ Giáo dục Trung Quốc.
Ngoài ra, những người trẻ tuổi của nước này đang ngày càng béo phì, cận thị và trầm cảm. Dữ liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia cho thấy hơn một nửa số trẻ đi học của Trung Quốc bị cận thị và gần 1/5 em trong độ tuổi 6-17 thừa cân hoặc béo phì.
Chính phủ có kế hoạch thu hút thêm gần 20 triệu người tham gia các bài tập thường xuyên trong vòng 5 năm, đảm bảo mọi quận và cộng đồng đều có thiết bị tập thể dục.
Sự thay đổi này có thể giúp ích cho các lĩnh vực sản xuất và công nghiệp của Trung Quốc nhờ sự chuyển hướng nhiều sinh viên sang đào tạo nghề hơn, bù đắp sự thiếu hụt công nhân nhà máy có tay nghề cao. Các nhà chức trách cho hay số lượng muốn đăng ký vào trường trung cấp nghề gần như tương đương với trường trung học phổ thông bình thường. Hiện nay, khoảng 57% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học trung học phổ thông.
Cuộc cải cách ngành công nghiệp giáo dục của Chủ tịch Tập Cận Bình không chỉ là về kinh tế. Là người hâm mộ bóng đá, ông muốn thế hệ tiếp theo khai sáng tinh thần và rèn luyện cơ thể dẻo dai.
Với các bậc phụ huynh, những thay đổi này đồng nghĩa với việc tìm sự thay thế cho các khóa học kiến thức mà vẫn tăng cơ hội có công việc tốt cho con cái.
"Tôi e rằng khoảng cách thậm chí có thể rộng hơn khi các gia đình giàu có có khả năng thuê gia sư kèm 1-1", Liu nói.
Cô hy vọng đấm bốc sẽ giúp cậu con trai Guoguo vốn nhút nhát của mình trở nên mạnh mẽ, khỏe khoắn và hướng ngoại hơn. "Tôi muốn con có thể tự bảo vệ bản thân không bị người khác bắt nạt. Tôi không muốn nó làm việc trong nhà máy vì quá vất vả", cô nói.
Bình Minh (Theo Bloomberg)