Các bác sĩ đang cấp cứu cho anh Đình (ảnh do Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cung cấp). |
Tối 18/2, anh Đình, 21 tuổi, sinh viên năm thứ 3 Đại học Giao thông vận tải Hà Nội, cùng các bạn học cũ tổ chức liên hoan đầu năm. Mặc dù trước đó đã uống rượu rồi nhưng trong cuộc gặp này, do bạn bè ép quá nhiều, Đình đã uống liền 3 chai rượu vodka loại 330 ml trong vòng 10 phút.
Sau đó, anh bất tỉnh tại chỗ, được bạn bè đưa vào nhà nghỉ. Sáng hôm sau, thấy Đình không tỉnh dậy, người bạn liền gọi xe ôm để đưa anh về nhà, nhưng dọc đường phát hiện nạn nhân ngừng thở nên đã đưa vào Bệnh viện Giao thông vận tải. Lúc này, bệnh nhân đã ngừng tim. Các bác sĩ áp dụng nhiều biện pháp cấp cứu để giúp tim đập lại rồi chuyển bệnh nhân sang Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng hôn mê sâu, hạ đường huyết.
Tại Trung tâm Chống độc, dù được cấp cứu và điều trị tích cực nhưng anh Đình vẫn nhiều lần bị ngừng tim, ngừng thở và đến trưa 20/2 thì qua đời.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, cho biết đây không phải là ca ngộ độc rượu duy nhất được đưa đến trong dịp đầu xuân năm nay. Hằng năm, vào dịp Tết, Trung tâm đều nhận được các ca cấp cứu do lạm dụng rượu, với tình trạng hạ đường huyết, hôn mê hoặc xuất huyết dạ dày.
Tình trạng ngộ độc rượu nặng gây tổn thương não và để lại di chứng lâu dài (liệt, mất trí...), không hồi phục được.
"Ít ai nghĩ rằng uống rượu cũng có thể làm chết người. Do đó rất nhiều thanh niên khi họp mặt bạn bè thường ép nhau uống 'hết lòng', nhất là đầu xuân năm mới" - một bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Đình nói.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo tránh uống nhiều rượu cùng một lúc vì nồng độ cồn quá cao trong máu sẽ ức chế hô hấp, hạ đường huyết, gây ngừng tim, ngừng thở, nguy hiểm đến tính mạng.
Nhiều người chỉ uống một lượng không nhiều mà vẫn ngộ độc. Đó là do rượu lên men không đảm bảo nên có thành phần methanol, hoặc rượu được pha từ loại cồn công nghiệp, lẫn nhiều tạp chất như Ethylen glycol aldehyde (chất gây rối loạn chuyển hóa, tổn thương hệ thần kinh, tim mạch, thận). Khi xét nghiệm loại rượu mà một số bệnh nhân bị tổn thương đa phủ tạng đã uống, Trung tâm Chống độc phát hiện nhiều chất nguy hiểm cho sức khỏe.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên cố gắng chừng mực khi uống rượu, làm sao giữ ở mức vẫn tỉnh táo, thăng bằng, nói chuyện được bình thường, và trong khi uống vẫn phải ăn.
Người đã bị bất tỉnh do uống rượu cần được đưa đến ngay bệnh viện, không nên để yên cho ngủ vì sẽ kéo dài thời gian nhiễm độc, khiến các bác sĩ khó lòng cứu sống như trường hợp bệnh nhân Đình kể trên.
Hải Hà
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi