Ngày 29/11, bác sĩ Huỳnh Kim Quỳnh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết bé trai được phát hiện bướu vùng cổ khi còn trong bụng mẹ. Khối bướu lớn nhanh, nguy cơ chảy máu bên trong, bé được các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ mổ sinh lúc 36,5 tuần thai và chuyển ngay sang viện nhi, trưa 15/11.
Khối bướu chèn ép đường thở nên ngay từ lúc bé ra khỏi bụng mẹ, chưa cắt rốn, bác sĩ phải đặt ống hỗ trợ hô hấp. Bướu đẩy toàn bộ cột sống và vùng cổ bé lệch sang trái. Trong quá trình nằm viện làm các xét nghiệm tiền phẫu, kích thước bướu vẫn tăng, chảy máu trong bướu.
Bé suy hô hấp dần, các bác sĩ quyết định phẫu thuật lúc bé ba ngày tuổi. Trải qua 4 giờ mổ, bác sĩ cắt hơn 90% khối bướu, còn một phần trong trung thất được chích thuốc để làm xơ hóa. Tổng cộng khối bướu nặng 1,1 kg, cân nặng của bé sau mổ là 2,9 kg.
Chẩn đoán sau mổ là bướu bạch huyết. "Bướu bao bọc luôn bó mạch ở vùng cổ, chỉ cần tổn thương nhỏ cũng có thể tử vong trên bàn mổ", bác sĩ Quỳnh nói. Sau mổ hơn 10 ngày, bé không còn đe dọa tính mạng, sinh hiệu ổn định, vết mổ khô, được hỗ trợ hô hấp và điều trị bằng kháng sinh.

Bé trai sau khi phẫu thuật bóc tách bướu. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, cố vấn ngoại khoa, Bệnh viện Nhi đồng 1, hơn 30 năm phẫu thuật nhi, đây là ca bướu ở cổ có kích thước lớn nhất mà ông từng gặp, xâm lấn từ sàn miệng, xuống vùng phổi và chèn ép cả khí quản, bao bọc mạch máu lớn ở vùng cổ, tuyến giáp... Do đó, vấn đề phẫu thuật cực kỳ khó khăn, có nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào.
"Do bướu lớn nên không tiêm hay uống thuốc trước mổ được mà phải phẫu thuật, làm thế nào lấy bướu càng nhiều càng tốt. Kết quả đã thành công hơn mong đợi", bác sĩ Hiếu nói. Các bác sĩ dự trù khả năng bướu tái phát (tỷ lệ thấp), có thể dùng thuốc để ngăn phát triển mà không phẫu thuật nữa.
Bướu bạch huyết xuất phát từ sự bất thường của hệ bạch mạch, không hiếm gặp, có thể ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể, thậm chí trong ổ bụng nhưng thường gặp ở vùng cổ. Y văn thế giới hiếm khi ghi nhận ca bướu kích thước lớn thế này.
Bác sĩ khuyến cáo thai phụ cần khám thai định kỳ, phát hiện sớm các bất thường để xử trí kịp thời. Trường hợp này, nhờ phát hiện bướu sớm từ trong thai kỳ, các bác sĩ sản - nhi có kế hoạch phối hợp hỗ trợ ngay từ khi bé chào đời, tránh ảnh hưởng tính mạng trẻ.
Lê Phương