Theo Quy chế Thi và tuyển sinh, thí sinh có kết quả từ điểm sàn đại học trở lên, nếu không trúng tuyển NV1, có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, NV3 qua đường bưu điện vào ngành cùng khối thi trong vùng tuyển quy định của trường. Lệ phí xét tuyển là 15.000 đồng một hồ sơ.
Thí sinh được cấp hai Giấy chứng nhận kết quả thi (số 1 và số 2). Nếu không trúng tuyển đợt 1, thí sinh dùng Giấy số 1 để nộp hồ sơ xét tuyển NV2. Nếu vẫn không trúng tuyển đợt 2 thì dùng Giấy số 2 để nộp hồ sơ xét tuyển NV3. Riêng thí sinh có kết quả thi thấp hơn sàn, được cấp Phiếu báo điểm nhưng không được tham gia xét tuyển vào các trường sử dụng kết quả thi theo đề chung.
Hồ sơ xét tuyển gồm Giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường, lệ phí xét tuyển (15.000 đồng) và một phong bì dán sẵn tem, ghi rõ địa chỉ của thí sinh. Thời gian nhận hồ sơ đến hết ngày 10/9. Trước 15/9, các trường công bố điểm trúng tuyển và gửi giấy báo cho thí sinh.
Dù không tuyển NV2 nhưng sắp tới, ĐH Ngoại thương sẽ tuyển thêm chỉ tiêu ngoài ngân sách dành cho thí sinh có điểm thi cao. Ảnh: Tiến Dũng. |
Theo thống kê của VnExpress.net, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của 100 đại học, cao đẳng hiện là 66.000. Trong đó, 36 ĐH phía bắc tuyển hơn 20.000 chỉ tiêu, 48 ĐH phía Nam vẫn còn chừng 40.000 cơ hội. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng về chỉ tiêu NV2.
Trước đó, một số trường công bố điểm chuẩn NV1 và điểm xét tuyển NV2 khá thấp và tự tiện áp dụng mức điểm ưu tiên tối đa dành cho các vùng khó tuyển. Ví dụ, CĐ Kinh tế Kỹ thuật Kiên Giang lấy 2 điểm (khối A) và 4 điểm (khối B) đối với học sinh diện ưu tiên 1 và ở KV1. Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học Ngô Kim Khôi khẳng định, đã yêu cầu các trường này điều chỉnh lại điểm trúng tuyển NV1 và điểm xét tuyển NV2.
Dù không tuyển NV2 nhưng ĐH Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Hà Nội, Kiến trúc, Học viện Ngoại giao, Tài chính, Ngân hàng, ĐH Kinh tế TPHCM... đã đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép tuyển thêm chỉ tiêu ngoài ngân sách...
Tiến Dũng