![]() |
Demetrio Ferri. Ảnh: ANB. |
"Đã có một thời của thứ bóng đá Italy thực sự, khi những Sivori, Mazzola, Rivera, Riva, Facchetti và Maradona từng chơi và làm tất cả chúng ta tôn thờ. Chính mắt tôi đã được xem một vài người trong số những huyền thoại kể trên chơi bóng, không phải trên tivi mà trên sân vận động khi cha tôi đưa tôi đến đó vào mỗi dịp cuối tuần. Bóng đá Italy ngày đó đẹp lắm, bình yên lắm. Rất nhiều phụ nữ, rất nhiều trẻ em đến sân các chiều chủ nhật và mỗi trận đấu được xem như một ngày hội của cả gia đình.
Nhưng bây giờ, thời thế đã thay đổi, xã hội Italy thay đổi, lớp trẻ cũng thay đổi và các sân vận động không còn là nơi người ta đến để thưởng thức 90 phút nghẹt thở của bóng đá, mà là để nghẹt thở vì sợ hãi. Các sân vận động đã trở thành nơi lý tưởng cho những kẻ say rượu, nghiện ma túy, những kẻ thích phá phách và bất mãn, thoải mái bày tỏ sự điên cuồng và tuyệt vọng từ bấy lâu của mình.
Có lẽ những người này đã quên mất ý nghĩa thật sự của từ "giải trí", hoặc họ tin rằng bạo lực là cách tốt nhất để thể hiện mình. Họ cho rằng, như thế mới là thể hiện tinh thần thể thao và bày tỏ sự ủng hộ đối với đội bóng của mình. Không, tôi không tin thế. Họ chỉ yêu chính bản thân họ, và sự ích kỷ đến tàn nhẫn ấy đã ảnh hưởng tiêu cực đến thể thao nói chung và bóng đá Italy nói riêng.
Thảm họa Heysel năm 1985 đã gây sốc lớn khi những hình ảnh trực tiếp về cái chết được truyền đi khắp thế giới, và lúc đó, chúng ta mới kinh hoàng đến mức nào khi hiểu rượu, các chất kích thích và các vũ khí tự tạo được các CĐV quá khích sử dụng để tấn công những CĐV chân chính và hiền lành. Bây giờ, các CĐV quá khích còn có nhiều lý do hơn nữa để tấn công người khác, mà cụ thể là cảnh sát, hôm thứ sáu vừa qua ở Catania: họ muốn kiểm soát một phần cuộc sống bằng bạo lực.
![]() |
Một góc khán đài nơi các CĐV quá khích tụ tập. |
Chủ tịch LĐBĐ Italy, Luca Pancalli đã dũng cảm khi quyết định hoãn các giải đấu ở Italy sau cái chết của cảnh sát Filippo Raciti. Nhưng chính phủ Italy cần phải làm những điều mạnh mẽ hơn nữa thay vì chỉ nói và đưa ra các hành động mang tính tượng trưng, thiếu hiệu quả. Làm thế nào để đưa bóng đá Italy về lại với vẻ đẹp nguyên thể của nó? Chỉ có các nhà thể thao chân chính, tinh thần thể thao chân chính và sự nâng cao nhận thức của chính các CĐV cũng như những biện pháp mạnh mẽ mới đưa những người yêu bóng đá thực sự trở lại với sân cỏ, để họ cảm thấy hạnh phúc khi đội bóng chiến thắng, biết chấp nhận khi thất bại, và yêu quý đội bóng như ruột thịt của mình".
Vài nét về các CĐV quá khích (ultras) ở Italy |
- Họ là những người đoàn kết lại để chống lại sự mạnh tay của cảnh sát, chống lại các lệnh cấm không cho họ mang nhiều cờ quạt, pháo, vào sân, chống lại giá vé quá cao, chống lại sự bất công trên sân cỏ và thể hiện thái độ bằng các cuộc tuần hành, biểu ngữ hoặc ẩu đả với cảnh sát. - Phần đông các CĐV quá khích có độ tuổi trung bình khoảng 28, và ngày càng được trẻ hóa với sự gia nhập của các băng nhóm thanh thiếu niên bị kích động bởi các tư tưởng bài ngoại và cực hữu. - Vũ khí chính của những CĐV quá khích hiện nay không còn đơn thuần là bom xăng, mà họ đã chuyển sang dùng bom tự tạo và bom đinh để tăng tính sát thương. - Có đến 298 trận thuộc 4 hạng đấu ở Italy mùa này đã xảy ra xô xát giữa các CĐV quá khích với cảnh sát. - 1400 CĐV quá khích bị cảnh sát Italy xếp vào diện cực kỳ nguy hiểm và bị cấm đến các sân vận động xem bóng đá. - Hàng năm có khoảng 2000 CĐV quá khích bị cảnh sát bắt. - Hiện có khoảng 60000 CĐV quá khích trên toàn Italy. |
Nỗi niềm của cảnh sát |
Nicola Spampinato, một đồng nghiệp cùng đơn vị với Raciti - viên cảnh sát thiệt mạng trong vụ bạo động ở Catania hôm 2/2 - cho biết: "Chúng tôi bước vào cuộc chiến với sự lo lắng và căng thẳng cực độ suốt 3 tiếng đồng hồ trước, trong và sau trận đấu. Đổi lại, chúng tôi chỉ nhận được 100 euro thù lao và 12 euro trợ cấp. Không ai quan tâm đến chúng tôi. Bọn CĐV quá khích căm thù chúng tôi. Còn người dân , thay vì lên tiếng hay làm bất cứ điều gì để ủng hộ chúng tôi, lại luôn tránh xa vì sợ các CĐV quá khích trả thù". |
(Theo Thể Thao Văn Hóa)