Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đến 13h chiều mai, tâm bão sẽ nằm cách bờ biển Hải Phòng - Thanh Hóa 70 km và ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh này. Sau khi vào đất liền, bão số 4 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
![]() |
Ảnh vệ tinh chụp hồi 16h ngày 24/9. Ảnh: NCHMF. |
Chiều nay, Bộ trưởng NN & PTNT Cao Đức Phát, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư yêu cầu lực lượng biên phòng, các địa phương tiếp tục liên lạc với những tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển. Đối với những tàu thuyền đã về nơi trú ẩn cần tổ chức neo đậu kỹ lưỡng.
Những vùng có nguy cơ ảnh hưởng nặng của bão số 4 như: Cát Hải (Hải Phòng), Hải Hòa (Nam Định) và Ninh Phú (Thanh Hóa) cần có phương án di dời dân khỏi những nơi nguy hiểm đồng thời giúp dân chằng chống nhà yếu, bảo vệ kho tàng, bến bãi, công trình xây dựng và có kế hoạch tiêu úng cho lúa ở những nơi có nguy cơ ngập úng.
Bộ trưởng cũng cho biết sẽ cử 3 đoàn công tác đi các địa phương để kiểm tra việc phòng chống bão. Một đoàn do đại diện Bộ Quốc phòng dẫn đầu sẽ đi kiểm tra công tác phòng chống bão lụt tại Hải Phòng, Thái Bình. Hai đoàn công tác khác của Bộ NN & PTNT sẽ đi kiểm tra tại các tỉnh Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa.
Ngày mai, Bộ trưởng Phát sẽ trực tiếp xuống Hải Hậu, Nam Định để chỉ đạo phòng chống lụt bão.
Kêu gọi khẩn cấp ngư dân vào bờ
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến 13h chiều nay, đã thông báo, kêu gọi được hơn 17.000 tàu với hơn 100.000 ngư dân biết đường đi của bão để chủ động phòng tránh và vào nơi neo đậu an toàn. Hơn 130 tàu, thuyền chở hơn 530 ngư dân của tỉnh Ninh Bình và Thái Bình cố tình vượt trạm kiểm soát ra biển hoạt động đã được ngăn chặn kịp thời.
Hiện tàu thuyền của Quảng Ninh và Nam Định đã về nơi trú ẩn. Đến trưa nay, các tàu có công suất lớn ở Hải Phòng đã được chỉ đạo về bờ, hơn 160 tàu nhỏ neo đậu tại khu tránh bão trên đảo Bạch Long Vĩ. 161 tàu nhỏ và hơn 800 ngư dân Nghệ An cũng đang vào bờ.
Thái Bình có 297 tàu và hơn 1.300 người đang hoạt động trên biển, trong đó có 30 tàu và hơn 230 người đang ở vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Bình Định cũng có gần 950 tàu và hơn 9.000 người hoạt động trên biển.
Thanh Hóa hiện còn hơn 400 tàu thuyền và gần 4.000 người chưa vào bờ trú ẩn. Hầu hết các tàu thuyền của ngư dân Quảng Nam đã tìm được nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 30 phương tiện với hơn 600 người chưa liên lạc được.
![]() |
Đường đi của bão trong những ngày tới. Ảnh: NCHMF. |
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Đình Cao, Phó Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Nam Định cho biết, hơn 1.600 tàu thuyền ngoài khơi của tỉnh đã về neo trú an toàn. Các tuyến đê xung yếu đã được gia cố lại, trong đó quan tâm đặc biệt tới tuyến đê ở huyện Giao Thủy, nơi từng hứng chịu hậu quả nặng nề cơn bão số 7 năm 2005.
Ban Phòng chống lụt bão tỉnh cũng thông báo cho nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa và che đậy rau mùa đông. Tuy nhiên, theo ông Cao, do diện tích lúa mùa lên tới 20.000 ha nên chắc chắn không thể thu hoạch hết trước khi bão vào bờ.
Còn tại Hải Phòng, mặc dù đã phát đi nhiều công điện khẩn nhưng hết ngày hôm qua vẫn còn khoảng 80 tàu của ngư dân chưa về nơi neo trú. Ông Nguyễn Ngọc Hoạch, chuyên viên chính Ban Phòng chống lụt bão thành phố cho biết, bão số 4 không mạnh nhưng tình hình đê biển của Hải Phòng vẫn rất đáng lo.
"Năm nay, tỉnh đã huy động hơn 60 tỷ đồng để tu bổ các tuyến đê. Song số tiền đó vẫn chưa thấm vào đâu vì Hải Phòng là một trong 4 địa phương có hệ thống đê biển xung yếu nhất miền Bắc", ông Hoạch lo ngại.
Chiều tối nay và sáng mai, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh và Trung ương sẽ đi kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống tại các tuyến đê biển xung yếu ở Đồ Sơn, Kiến Thụy đảo Cát Hải.
Tại TP HCM
, theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, các tỉnh trong khu vực đã giảm mưa, có lẽ do mây tập trung cho sự phát triển của bão. Ảnh mây tập trung gần khu vực bão, hoàn lưu (đuôi bão) không dài nên các tỉnh Nam bộ không mưa nhiều trong 1-2 ngày tới. Riêng TP HCM và một số địa bàn thuộc miền Đông Nam bộ có thể mưa vừa cục bộ.Tuy nhiên, ảnh hưởng gián tiếp của bão cùng gió mùa Tây Nam khiến gió trên vùng biển phía Nam khá mạnh.
Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão phía Nam cho biết, hiện không có tàu thuyền của các tỉnh trong khu vực này hoạt động ở vùng dự kiến bão số 4 đổ bộ. Nhưng do sóng, gió biển lớn nên Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão các tỉnh phải liên lạc thường xuyên với các phương tiện còn trên biển, thông báo vị trí bão đi qua và yêu cầu các phương tiện tìm nơi tránh né, trú ẩn an toàn khi cần thiết.
Ngày 20-23/9, mưa lớn và lốc xoáy diễn ra ở nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, gây thiệt hại nặng cho hoa màu và lúa. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Bạc Liêu, ngày 23/9, mưa lớn kèm lốc xoáy đã làm sập và tốc mái 15 căn nhà ở tỉnh này, làm 2 người bị thương nặng.
Nhóm phóng viên