Bàn tay hoạt động độc lập với cơ thể. Ảnh: Daily Telegraph. |
Do không thể xác định được nguyên nhân, các bác sĩ của trung tâm đã nhanh chóng đưa ra kết luận cuối cùng: Người đàn ông này mắc hội chứng "Bàn tay kỳ lạ" (Alien Hand). Trước đó, trung tâm cũng đã từng tiếp nhận một nữ bệnh nhân đến phàn nàn về hiện tượng tương tự, đó là một bàn tay của cô luôn giật bỏ những quần áo do "bàn tay đúng" chọn và chọn bộ quần áo khác để mặc vào người trong khi cô không hề muốn mặc bộ quần áo ấy.
Hội chứng "bàn tay kỳ lạ" được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1908 nhưng mãi đến năm 1972, nó mới chính thức được giới y khoa xác định và quan tâm nghiên cứu. Hội chứng này còn có tên gọi khác là "Bàn tay hỗn loạn" hay hội chứng Dr.Strangelove - lấy theo tên một nhà khoa học có cánh tay không kiểm soát được trong bộ phim sản xuất năm 1964 của đạo diễn nổi tiếng Stanley Kubrick.
Nạn nhân của hội chứng "bàn tay kỳ lạ" có cảm giác hoàn toàn bình thường về đôi tay của mình. Tuy nhiên, dường như chúng có khả năng hoạt động độc lập với ý nghĩ chủ quan của "khổ chủ", dẫn đến hậu quả là đầu chủ nhân suy nghĩ một đằng, cánh tay lại làm một nẻo, cứ như thể nó là cánh tay của một người khác vậy. Điều đặc biệt là ngay cả chủ nhân của nó cũng không ý thức được những gì nó đang làm cho tới khi giật mình bởi một "đánh động" nào đó.
Theo Giáo sư Sergio Della Sala ở Đại học Aberdeen (Anh), người đã nhiều năm theo dõi một bệnh nhân thường xuyên bị tay mình... bóp cổ vào ban đêm thì đây là hiện tượng rối loạn chức năng điều khiển thần kinh khiến cho nạn nhân không thể điều khiển đôi bàn tay mình như ý muốn. Điều oái oăm là, nó không giống như cánh tay tàn phế, vì nó vẫn có thể cử động như thể có một bộ não nào khác đang điều khiển nó!
Các bệnh án y khoa tại Anh và Mỹ cũng cho thấy hội chứng này thường xuất hiện ở những người có hai bán cầu não được tách riêng khi phẫu thuật (quy trình đôi khi vẫn được dùng để làm dịu các triệu chứng của những ca động kinh nặng). Nó cũng xảy ra trên một số người sau chấn thương sọ não, đột quỵ, khối u hoặc nhiễm trùng. Đến nay chưa có một pháp đồ điều trị nào cho hội chứng kỳ lạ này.
Đối với tiến sĩ Alan Parkin thuộc Trường đại học Sussex (Anh) thì lời giải thích cho hiện tượng này thật đơn giản: sự phân ly giữa ý chí nhận thức và các cử động của một bàn tay hầu như có liên quan đến một sự thương tổn của não tác động lên thể chai - cơ quan giữ chức năng truyền các thông tin giữa 2 bán cầu của não bộ. Nếu mối liên hệ giữa hai bán cầu bị cắt đứt, mỗi bán cầu có thể đưa ra những mệnh lệnh trái ngược nhau. Bàn tay lạ thường tiếp nhận một cách chậm trễ và méo mó mệnh lệnh ban đầu. Biết là nó phải làm điều gì đó hợp với mong muốn của chủ nhân nhưng mệnh lệnh trái ngược đã được phát ra, bàn tay lạ liền chọn cử chỉ trái ngược.
Trong một hội nghị của Hiệp hội khoa học Anh mới được tổ chức gần đây, giáo sư Sergio Della Sala đã trình bày bản báo cáo về căn bệnh này, theo ông thì: Triệu chứng Dr.Strangelove là hậu quả của tổn thương tại một miền não do đột quỵ, chấn thương đầu hay phình mạch máu não. Bộ não của mỗi người có các miền khác nhau chi phối hoạt động do ý chí và ngăn chặn hoạt động do kích thích của môi trường. Khi các miền này bị tổn thương, chúng ta sẽ không còn kiềm chế được hoạt động của bàn tay do kích thích của môi trường, lúc đó bệnh nhân dường như có hai dòng ý thức hay hai ý chí riêng rẽ đối kháng với nhau và bàn tay "vô chính phủ" sẽ không còn tuân theo ý chí của chủ nhân nữa, dẫn đến việc bàn tay này chống lại bàn tay kia, ví dụ như giành nhau tắt mở ti vi.
Từ hội chứng thần kinh kỳ lạ này, các nhà khoa học đã có thể hiểu rõ hơn về sự giới hạn của ý chí con người. Một câu hỏi đã được đặt ra là cơ thể con người có thể thoát ly khỏi sự chi phối của bộ não không và thoát ly đến đâu? Bệnh nhân có vẻ ý thức được hành động của họ nhưng không thể làm chủ được nó. Bàn tay lúc đó có một đời sống riêng.
Mặc dù đã gần như biết rõ về cơ chế gây bệnh cũng như những tác hại mà bệnh nhân sẽ phải gánh chịu cả đời nhưng cho đến nay, giới y khoa vẫn chưa tìm ra một biện pháp hữu hiệu nào để điều trị căn bệnh kỳ cục này.
(Theo Sức khỏe và Đời sống, Daily Telegraph)