![]() |
Ông Nguyễn Mạnh Hà. Ảnh: Thanh Niên. |
Theo ông Hà, thực chất thì giữa chủ đầu tư và khách hàng chưa có hợp đồng mua bán. Giả sử có hợp đồng đó thì cũng bị hủy vì vi phạm pháp luật. Nhưng vấn đề ở đây là bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Việc buộc trả lại tiền không thể thay thế biện pháp xử lý hành vi vi phạm pháp luật của chủ đầu tư.
Mức xử phạt căn cứ Nghị định đối với những hành vi vi phạm trong quản lý xây dựng, có thể thu hồi dự án. Hành vi phạm luật của các chủ đầu tư trong trường hợp này tương đối rõ ràng. Nhưng việc xử lý như thế nào thì phải xem xét kỹ mức độ vi phạm, thái độ khắc phục sai phạm. Ví dụ lần đầu có thể cảnh cáo, vi phạm nhiều lần thì hình thức xử lý nặng hơn.
Ông Hà cho biết, Bộ Xây dựng chưa nhận được báo cáo chính thức từ TP HCM về mức độ vi phạm và cách xử lý. Ngoài ra, việc tổ chức nộp "tiền thành ý" đến 200 triệu đồng và tổ chức bốc thăm căn hộ cũng không hợp lý. Không thể bán 100 căn hộ mà lại yêu cầu tới 1.000 người góp "tiền thành ý". Đấy là những câu hỏi mà cơ quan quản lý nhà nước buộc phải đặt ra nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như của cả nhà đầu tư.
Sau khi trả lại tiền khách hàng, chủ đầu tư vẫn phải bảo lưu cam kết về giá đối với những khách hàng đã bốc thăm chọn căn hộ, những khách hàng đã đăng ký mua căn hộ. Đối với những trường hợp đã bốc thăm căn hộ rồi thì "tiền thành ý" phải chuyển thành tiền góp vốn vào hợp đồng góp vốn khi dự án đã xong phần móng. Việc này hai bên phải thỏa thuận với nhau. Sẽ không có chuyện chủ đầu tư "phủi" trách nhiệm sau khi trả lại tiền.
(Theo Thanh Niên)