Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ 2021 ngày 5/1, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với đất nước. Đây là năm đầu quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, trong đó có kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030).
Vì vậy, ông Bình cho biết Ban Kinh tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, tham mưu chiến lược về kinh tế, xã hội. Do tình hình thế giới và trong nước tới đây tiếp tục có nhiều diễn biến ngoài dự báo, ông nhìn nhận cần xây dựng chương trình nghiên cứu cụ thể cho từng năm và cả nhiệm kỳ khóa XIII. Các đề án phải đảm bảo có chất lượng, mang tầm chiến lược.
Hiện cơ quan này đã xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025, trong đó dự kiến trình Ban Chấp hành Trung ương 6 đề án; Bộ Chính trị 41 đề án; Ban Bí thư 5 đề án để ban hành các nghị quyết, kết luận về lĩnh vực kinh tế. Riêng năm 2021, Ban Kinh tế Trung ương có 2 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, 13 đề án trình Bộ Chính trị và 2 đề án trình Ban Bí thư.
Ngoài ra, theo ông Bình, cơ quan này cũng đã tổng kết, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế - xã hội đã ban hành trong nhiệm kỳ khóa XII. Đặc biệt là các nghị quyết có vai trò nền tảng như về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân; các nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển công nghiệp, năng lượng, chủ động tham gia cách mạng 4.0...
Trong giai đoạn 2016-2020, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì nghiên cứu, tham mưu ban hành 15 nghị quyết, kết luận của Đảng trong lĩnh vực kinh tế-xã hội. Cụ thể gồm 3 nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 9 nghị quyết và 3 kết luận của Bộ Chính trị, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số nghị quyết, kết luận của Đảng về lĩnh vực kinh tế-xã hội đã được ban hành trong nhiệm kỳ khóa XII.
Đức Minh