Thiết bị chống cận của Trung Quốc vừa làm đau cổ vừa khiến trẻ thao tác khó khăn. Ảnh: Sài Gòn tiếp thị. |
Thời gian gần đây trên thị trường có bán thiết bị được xem là giúp trẻ chống cận thị, gồm bảng vẽ, giá kẹp sách, hộp bút và thước cự ly dạng chữ T dùng để chống vào cằm, nhằm cố định khoảng cách giữa mắt học sinh với mặt bàn. Giá bán dao động từ 120 đến 190 nghìn đồng một chiếc.
Không chỉ riêng chị Phùng, chị Cao Hòa (Hà Nội) cũng đã mua cho con gái bộ thiết bị chống cận. Nhưng sau đó ít cho con dùng, vì bảng dày, cao hơn mặt bàn, khiến chỗ tập viết của cháu không bằng phẳng. Cháu hay kêu mỏi cổ tay, thao tác trở nên chậm chạp vì vướng thanh chắn.
Theo một cô giáo ở trường tiểu học Dịch Vọng, Hà Nội, với một tiết học có nhiều bài tập, thao tác, chiếc bảng sẽ khiến học trò vướng víu, không thể theo kịp bài giảng.
Ngoài ra, sản phẩm không có bản hướng dẫn sử dụng tiếng Việt, nên các bậc phụ huynh chẳng biết thế nào là chuẩn cho con mình sử dụng, cụ thể như: các chỉ số về chiều cao, độ tuổi, hay các bệnh về mắt.
Không nên dùng thiết bị này ở lớp
Thạc sĩ Đặng Anh Ngọc, Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường, Bộ Y tế cho hay, hiện nay, các nhà khoa học đã có quy định chuẩn của bàn ghế để khi viết không bị mỏi. Bởi vậy, cũng cần xem xét thiết bị này có đạt đủ những tiêu chuẩn đó hay không. Hơn nữa, dùng thuật ngữ "chống cận thị" là không chính xác. Thiết bị này chỉ giúp các cháu luyện tập giữ một khoảng cách cần thiết, còn cận thị do nhiều yếu tố gây ra.
Còn theo một bác sĩ ở phòng khám Bệnh viện Mắt Hà Nội, cho trẻ đang ở độ tuổi đi học dùng thiết bị chống cận là không hiệu quả, thậm chí còn gây bất lợi cho trẻ. Thanh chữ T đẩy vào cằm làm đầu, cổ các em khó cử động, gây đau, cản trở việc học, làm ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Ông Phạm Ngọc Phương, Cục phó Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học (Bộ Giáo dục - Đào Tạo) cũng cho rằng thiết bị "chống cận" nói trên chỉ nên dùng ở nhà, không nên dùng ở lớp, chỉ nên dùng để đọc, không nên dùng để viết. Kết cấu và mục đích của thiết bị này không có vấn đề gì. Tuy nhiên cần xem xét để cải tiến.
Ông Phương cũng cho biết Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ quản lý chất lượng các thiết bị giáo dục, còn thiết bị bàn chống cận là đồ dùng học sinh, nếu nó không nằm trong danh mục cấm thì học sinh có thể đưa vào lớp học.
Nói chung, các chuyên gia vẫn cho rằng cách tốt nhất đề phòng cận thị là rèn cho trẻ thói quen ngồi đúng tư thế, giữ khoảng cách trung bình từ mắt đến quyển vở khoảng 32-35 cm. Ánh sáng nơi trẻ ngồi học phải đảm bảo đầy đủ. Không để trẻ ngồi học liên tục quá 40-45 phút, ngoài giờ học trẻ cần được sinh hoạt ngoài trời để nới tầm nhìn.
(Theo Sài Gòn tiếp thị)