Người gửi: Hoa Đăng
Khi thấy "Bài văn điểm 10" được đăng trên báo, trong bụng tôi mừng thầm vì mình sắp được xem một bài văn đúng nghĩa "văn hay, chữ tốt". Nhưng khi đọc xong bài văn, tôi không có một cảm giác nào hơn, tôi cố tìm thử một đoạn văn nào để quyết định bài văn được điểm 10, nhưng chỉ là những đoạn lặp đi lặp lại theo khuôn mẫu, cách phê phán bình luận như là học thuộc lòng, chưa tư duy sáng tạo.
Bài văn nói chung phân tích đủ ý, thuộc bài nhưng hành văn chưa chuẩn, làm cho người đọc nhàm chán. Cũng không thể trách thí sinh được, trong khi đề bài chỉ là kiểm tra môn văn không phải "làm một bài văn".
Nói chung mong muốn tìm một bài văn sáng tạo trong cách hành văn, sáng tạo trong ý tưởng thật là khó theo cách dạy Văn như hiện nay. Xin chia sẻ một vài ý theo chủ quan cá nhân.
Người gửi: Nguyễn Hồng
Sau khi đọc bài văn đạt 10 điểm, tôi hơi bâng khuâng và sao chép ngay thành một tập giấy để dành tối đến sẽ đọc lại... Khi đã kết thúc một ngày làm việc, tôi có thời gian nghiền ngẫm thật kỹ. Và có một điều thật logic, tôi biết mình đã lệch hướng khi hướng dẫn con làm văn.
Em Trung Ngân đã có một kiến thức rất sâu rộng về tác giả, tác phẩm cũng như em đã phân tích trọn vẹn, đúng, đủ lời văn, ý thơ. Tuy nhiên, có một điều mà tôi vẫn day dứt là tôi đọc bài văn đến ba lần rồi mà ý văn vẫn như bài toán cứng nhắc, không mềm mại thoi đưa vào lòng được. Rất nhiều những câu từ tải nặng nội dung chưa tương ứng với chất nghệ thuật và lặp lại.
Các em học sinh ngày nay thường phân tích lời thơ rồi suy ra tâm trạng tác giả, mà quên việc làm ngược lại. Con tôi, mới chỉ học lớp 4, nhất nhất phải bố cục bài văn hoặc theo thời gian, hoặc theo không gian và phải "đủ mấy cái này cho cô, đừng thêm bớt, con bị ...điểm xấu đấy".
Có phải đây cách hành văn ngày nay? Rất khó giúp các em biểu lộ cảm xúc riêng tư, thông thường phải dùng nhiều từ ngữ theo giáo viên, theo tài liệu ...dùng chung cho nhiều tác phẩm.