Sông Thị Vải nằm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, làm ranh giới tự nhiên với hạ lưu phía Nam tỉnh Đồng Nai. Đây là khu vực vừa xảy ra vụ bắt quả tang Công ty bột ngọt Vedan (thuộc huyện Long Thành, Đồng Nai) xả nước thải ra sông Thị Vải; sau đó tiếp tục phát hiện hàng loạt công ty khác cũng cho nước thải ra sông.
Làm việc với Bộ Tài nguyên môi trường cùng đại diện 11 tỉnh và TP HCM hôm 12/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Ngọc Thới bức xúc: “Hãy nhìn nhận thẳng vấn đề, nguyên nhân sông Thị Vải ô nhiễm là do các cơ quan chức năng chúng ta lơ là trách nhiệm của mình”. Thậm chí, sau vụ Vedan, cho đến nay vẫn chưa thấy các địa phương có một động tĩnh nào để triển khai các biện pháp khắc phục hòng cứu con sông “chết”.
Đáp lại, người đồng cấp ở phía Đồng Nai là ông Ao Văn Thinh yêu cầu phải xác định lại rõ ràng ranh giới con sông Thị Vải để “không thể cái gì cũng đổ cho Đồng Nai gây ô nhiễm”.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa tuyên bố: “Từ năm sau, chắc chắn sẽ không có tình trạng xả nước thải thẳng ra sông kênh trên địa bàn chúng tôi”.
Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Nguyễn Văn Lạng phải dàn hòa, đề nghị các địa phương không để xảy ra tình trạng, tỉnh này xả nước thải ô nhiễm mà tỉnh kia phải hứng chịu, mà cần xem xét trách nhiệm bảo vệ nước đầu nguồn.
Sông Thị Vải đang bị ô nhiễm nặng. Ảnh: Đức Quang |
Theo nhiều chuyên gia, tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của sông Thị Vải như hiện nay một phần là do không được các địa phương quan tâm đúng mức đến những nghiên cứu, đánh giá để tìm ra “phương thuốc” cứu con sông cung cấp nước ngọt liên tỉnh này.
Nhiều ý kiến cho rằng để cứu sông, buộc phải triển khai ngay các biện pháp cấp bách mà bắt đầu bằng những cam kết lập tức. Phương án pha loãng nước sông Thị Vải, lợi dụng mức triều lên xuống để làm bớt nồng độ ô nhiễm cũng được tính đến.
Cũng ngay trong hôm 12/12, Ủy ban bảo vệ môi trường hệ thống sông Đồng Nai đã được thành lập do Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân đứng đầu. “Từng địa phương phải siết chặt công tác quản lý trên địa bàn”, ông Lê Hữu Vinh, Phó cục trưởng Cảnh sát môi trường cũng yêu cầu.
Theo kết luận của ngành môi trường, sông Thị Vải bắt đầu ô nhiễm từ năm 1994, nồng độ COD, DO đều vượt mức tiêu chuẩn, đặc biệt có nơi oxy hòa tan trong nước gần như bằng 0 (mức dễ gây nguy hiểm cho các sinh vật sống).
Kiên Cường