Jenny Chui Pui Kwan làm việc cho chi nhánh một công ty Nhật Bản tại Hong Kong và hiện có bé gái 4 tuổi tên Mila Mui Ka-yin. Chui được giới thiệu tới Trung tâm Huấn luyện Marathon, đơn vị chuyên tổ chức các buổi tập luyện tại những sân vận động công cộng quanh thành phố, khi cô tìm cách giảm khoảng 9 tới 13 kg cân nặng sau sinh.
"Tôi chạy hai lần một ngày cùng nhiều người trên một cung đường để lấy động lực tập luyện", bà mẹ 43 tuổi nói.

Chạy bộ dần trở thành đam mê của Chui, dù cô khởi đầu với mong muốn giảm cân sau khi sinh. Ảnh: SCMP.
Chui lần đầu tiên chạy cự ly marathon vào năm 2016 trong giải tổ chức ở Osaka, Nhật Bản. Hồi tháng Tư vừa qua, cô tham gia London Marathon và hoàn thành mục tiêu chinh phục sáu giải marathon danh giá nhất thế giới World Marathon Majors, với 5 giải còn lại gồm Tokyo Marathon, Berlin Marathon, Chicago Marathon, New York Marathon và Boston Marathon. Để được tham gia London Marathon, Chui đã quyên góp được 1.780 USD cho VICTA, tổ chức từ thiện chuyên hỗ trợ người khiếm thị hoặc mất thị giác một phần.
Tuy nhiên, Chui tỏ ra khiêm tốn về thành tích trên. Cô cho biết chồng, Tim Mui Chi-yan, và HLV Fung Wah-tim là hai người có vai trò rất quan trọng, khích lệ cô theo đuổi nhiều mục tiêu thách thức hơn.
Hành trình tập luyện
Khi mới bắt đầu, Chui thực hiện các bài tập biến tốc (interval), chạy cự ly ngắn với tốc độ bằng 80% tốc độ cao nhất, thường được nhiều runner chọn làm bài tập cốt lõi. Giờ đây, cô có thể hiểu chạy biến tốc đã giúp thiết lập nền tảng để chinh phục cự ly marathon như thế nào.
"Tốc độ chạy của tôi tăng dần và HLV cũng nhận thấy tôi có tiến bộ", bà mẹ 43 tuổi nhớ về thời gian mới tập chạy.
Tuy nhiên, Chui lại chưa thể tiến thêm bước nữa để gia nhập nhóm tập luyện ưu tú hơn cho đến khi thầy Fung khích lệ cô hãy trở thành tấm gương cho con gái, rằng không nên đầu hàng một cách dễ dàng. Bà mẹ một con tiếp tục vượt qua bản thân, cải thiện thành tích.

Chui cùng chồng và con gái chụp ảnh lưu niệm khi chuẩn bị dự thi Nike Women 10km - giải chạy đầu tiên của cô sau khi sinh. Ảnh: SCMP.
Tại giải marathon đầu tiên ở Osaka, Chui hạnh phúc khi đạt thành tích 3 giờ 35 phút, nhanh hơn mục tiêu đề ra là 3 giờ 40 phút. Cô kể: "Mọi thứ không quá khó bởi tôi đã tập tuyện đầy đủ. Tôi không thể quên được những buổi tập đã giúp tôi thiết lập nền tảng".
Với nhiều bà mẹ, tham gia và duy trì một môn thể thao sau khi sinh là điều khó khăn. Chui nhận được sự khích lệ và ủng hộ từ chồng, người luôn chăm con mỗi khi cô tập luyện.
"Nếu có điều gì em làm tốt, hoặc ngày càng tốt hơn, và thúc đẩy em tiến về phía trước, anh sẽ làm tất cả vì điều đó. Và chạy cũng có lợi cho sức khỏe", Mui, 40 tuổi, đồng sáng lập đơn vị tổ chức sự kiện và hoạt động sáng tạo Lemonade, nói.
"Chúng tôi đều cố trở thành tấm gương tốt cho con gái, cho cháu thấy khi làm việc gì đó, chúng tôi thực hiện một cách nghiêm túc và chính xác... đồng thời cũng tận hưởng nó".

Bộ sưu tập huy chương danh giá ở World Marathon Majors của Chui. SCMP.
Theo nghiên cứu công bố năm 2015 của Tạp chí Dịch tễ học Mỹ, các cặp vợ chồng thường phản ánh hoạt động thể dục của người còn lại. Nghiên cứu, do Laura Cobb – Đại học Johns Hopkins phụ trách – khảo sát ảnh hưởng của bạn đời lên hoạt động thể dục với 3.261 cặp vợ chồng trong độ tuổi 45 – 64.
Các nhà nghiên cứu theo dõi số liệu của những người tham gia trong thời gian lên tới 25 năm với hai lần khám sức khỏe cách nhau khoảng sáu năm, đồng thời hỏi về hoạt động thể dục thể thao. Trung bình, mức độ tập luyện của vợ chồng là tương đương. Khi một người vợ hoàn thành tập luyện theo khuyến nghị từ Hiệp hội Tim mạch Mỹ (khoảng 75 – 150 phút tập luyện mỗi tuần), tỷ lệ người còn lại thực hiện theo là 70%.
Chui gặp Mui năm 2002, hay tiệc tùng, say xỉn và hút thuốc. Hai người bắt đầu hẹn hò năm 2005 và phần lớn thói quen có hại đã giảm. Họ bỏ thuốc năm 2007 khi chuẩn bị lập gia đình, hạn chế uống rượu.
"Chúng tôi cảm thấy buồn ngủ ngay cả khi chỉ uống một cốc bia", Mui cho biết.

Chui và chồng tập thể thao để hướng đến một cuộc sống lành mạnh, đồng thời làm gương cho con gái. Ảnh: SCMP.
Chui thường chạy cùng nhóm tập luyện ở sân vận động Aberdeen hoặc chạy 10 km quanh khu Pok Fu Lam, nơi gia đình sinh sống, hoặc tranh thủ chạy 5 km trong giờ nghỉ trưa. Chui từng chạy sáu ngày mỗi tuần nhưng do không có giải lớn nào sắp diễn ra, cô hiện chỉ chạy hai ngày.
Lộ trình chuẩn bị trước một giải chạy của Chui là ăn kiêng bảy ngày, bao gồm một giai đoạn nạp carbohydrate. Ba ngày đầu, cô ăn ít carbohydrate, nên Mui chỉ chuẩn bị các món thịt ăn kèm salad. Từ ngày thứ tư trở đi, Chui tăng lượng carbohydrate nạp vào cơ thể.
Cặp vợ chồng này hiện tập trung vào giấc mơ làm VĐV của Mui. Mui gần đây tham gia một số giải ba môn phối hợp, gồm bơi - đạp xe - chạy, cự ly ngắn. Anh đang nhắm đến giải Iron Man 70.3 tổ chức tại Sydney, Australia với ba cự ly bơi - đạp xe - chạy lần lượt là 1,9 km, 90 km và 21,1 km.
Như Tâm (theo SCMP)