
Bà Barbara Bush (ngoài cùng bên trái, hàng sau) cùng ông Bush (trái, hàng trước) và Jennifer Fitzgerald (phải, hàng trước). Ảnh: Time.
Giữa thập niên 1970, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Barbara Bush từng cố tìm đến cái chết do bị trầm cảm sau một loạt biến cố, trong đó có mối quan hệ trong suốt 12 năm giữa chồng bà, ông George H. W. Bush, với một phụ nữ tên là Jennifer Fitzgerald. Câu chuyện này được tác giả Susan Page tiết lộ trong cuốn sách viết về bà Barbara Bush sẽ được ra mắt vào ngày 2/4.
Trong cuốn sách, Page cho biết bà Barbara bắt đầu gặp khủng hoảng tâm lý và "rơi vào bóng tối" kể từ khi ông Bush được bổ nhiệm làm giám đốc CIA năm 1975. Đó là cơn khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi con gái Robin qua đời hai thập niên trước.
Bị nỗi đau khổ và cô đơn xâm chiếm, bà Barbara đã tìm cách tự tử. "Tôi cảm thấy khủng khiếp. Tôi từng phải tấp xe vào lề đường để không đâm vào cây hay lao vào xe khác. Tôi thực sự không đủ can đảm để làm điều đó", bà Barbara thừa nhận với Page.
Hằng đêm, ông Bush ôm người vợ khóc trong tay mình, khi bà Barbara cố lý giải cảm giác của bản thân. "Tôi cứ băn khoăn vì sao ông ấy không rời bỏ mình", bà nói.
Bà Barbara giấu việc mình bị trầm cảm với các thành viên khác trong gia đình và bạn bè, nhưng ông Bush khuyên bà nên tìm đến chuyên gia tâm lý để được trợ giúp. Cựu đệ nhất phu nhân coi việc bà bị trầm cảm là do sự mất cân đối hoocmon của thời kỳ tiền mãn kinh, hoặc cảm thấy chênh vênh vì căn nhà trống vắng, khi bọn trẻ đi học ở trường nội trú hoặc đi làm.
Với vị trí mới ở CIA, ông Bush không thể chia sẻ với vợ về công việc của mình vì những câu chuyện đó là tối mật. "Sự thực là tôi không thể giữ bí mật. Nếu ai kể gì thì tôi chỉ giữ được trong một ngày hoặc thêm nửa ngày", Barbara nói.
Tuy nhiên, một số người thân thiết với Barbara cho rằng lý do khiến bà muốn kết liễu đời mình là Jennifer Fitzgerald, nữ trợ lý nhỏ bé, có mái tóc vàng của ông Bush và trẻ hơn Barbara 7 tuổi. Jennifer đã ly dị và rất ủng hộ ông Bush, trong khi tỏ ra khắt khe với những người khác.
Một thành viên giấu tên trong gia đình Bush cho biết khi lần đầu được luật sư Dean Burch giới thiệu với Jennifer vào thập niên 1970, ông Bush đã "bị quyến rũ". Không phải tuýp người đẹp đến mức nổi bật nhưng Jennier luôn tỏ ra vồn vã, quan tâm và hoàn toàn chú ý đến ông.
Hai người có thể quan tâm đến nhau từ 1973, khi Bush là Chủ tịch Uỷ ban quốc gia của đảng Cộng hoà. Một phụ nữ từng ở cùng nhà với Jennifer ở Ocean City, Maryland, nhớ lại ông Bush từng gọi đến ít nhất một lần mỗi ngày trong mùa hè năm 1973.
"Cách cô ấy cười khúc khích và cuộc trò chuyện thì thầm của họ cho thấy rõ ràng đó là chuyện riêng tư", Page viết, thuật lại lời người bạn của Jennifer. Khi đó ông Bush thậm chí còn không sử dụng tên giả khi gọi điện.
Ban đầu, Bush tuyển Jennifer làm trợ lý khi ông nhậm chức Trưởng phòng liên lạc của Mỹ ở Trung Quốc năm 1974. Điều này được cho là nguyên nhân khiến Barbara rời Bắc Kinh về Mỹ ít lâu sau đó và chỉ trở lại Trung Quốc vào đầu năm 1975.

Bush (ngoài cùng bên phải) đứng cạnh bà Barbara trong bức ảnh chụp năm 1981. Ảnh: Bảo tàng và Thư viện Tổng thống George H. W. Bush.
Đây là Giáng sinh đầu tiên Barbara và George H. Bush ở xa nhau và là thời gian dài nhất họ không thấy nhau trong cuộc hôn nhân kéo dài nhiều thập niên.
Năm 1980, khi Bush được đề cử làm phó tổng thống Mỹ và làm việc tại Houston, Jim Baker, người quản lý chiến dịch và là bạn thân của ông Bush đã ra tối hậu thư cho ông về mối quan hệ với Jennifer.
Bush dành một ngày để suy nghĩ nhưng đã khiến Baker sốc khi cuối cùng chuyển Jennifer tới làm công việc gây quỹ ở New York. Khi được bầu làm phó tổng thống, Bush đưa bà này đến Washington với vai trò lễ tân trước văn phòng ông.
Tin đồn về Bush ngoại tình rộ lên ở Washington trong nhiều năm, xuất hiện trên nhiều tờ báo nhưng chưa từng được chứng minh. Dù vậy, những lời thì thầm về Jennifer chưa bao giờ chấm dứt.
Năm 1992, khi Jennifer vẫn ở bên cạnh Bush, một nhà vận động hành lang ở Washington tiết lộ rằng một đại sứ Mỹ đã phàn nàn về việc được yêu cầu sắp xếp cho Bush và Jennifer Fitzgerald chung một nhà riêng trong chuyến thăm chính thức đến Geneva, Thuỵ Sĩ vào năm 1984. Đại sứ này đã nói với bạn bè rằng "rõ ràng hai người có mối quan hệ lãng mạn". Nhưng một người bạn cũ của Bush ở Texas bác bỏ câu chuyện.
Một vài trợ lý của Bush quyết định rời nhiệm sở để không phải làm việc với Jennifer, nhưng Bush chưa bao giờ muốn sa thải bà. Khi ông chạy đua vào ghế tổng thống năm 1988, Jennifer vẫn làm trợ lý và điều hành văn phòng ông tại Thượng viện.
Khi Bush thắng cử năm 1988, ông đồng ý chấm dứt vai trò trợ lý của Jennifer nhưng bổ nhiệm bà làm cục phó Cục Lễ tân tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Tờ Washington Post cho biết Jennifer đã đảm nhận nhiều vị trí khác nhau trong chính quyền của tổng thống Bush.
Khi chuyện tình của Bush bị báo chí đưa tin, bà Barbara viết trong nhật ký rằng bà nhận thấy "Jennifer thực sự làm tổn thương George". "Đôi mắt ông ấy sáng lên khi bạn nhắc đến tên cô ấy. Cô ta là người ông ấy muốn, ông ấy nói liên tục về cô ta", bà viết.
Tuy nhiên, Bush luôn phủ nhận mối quan hệ với Jennifer cho tới khi ông qua đời tháng 11/2018.
Jennifer, hiện sống ở Florida, cũng bác bỏ rằng mình là nhân tình của cố tổng thống. "Đơn giản là chuyện đó không xảy ra. Tôi không có gì khác ngoài sự tôn trọng và ngưỡng mộ với cả gia đình Bush", bà nói với Page.
Mặc dù vậy, Page cho rằng "mối quan hệ lãng mạn lén lút của họ kéo dài hơn 12 năm, không thể giải nghĩa với những người xung quanh và không ai có thể can thiệp".
Khi cuộc khủng hoảng qua đi, Barbara cho rằng cơn trầm cảm của bà là "sự kết hợp độc hại của nhiều yếu tố". "Tôi từng nghĩ Jennifer thật tồi tệ. Giờ thì tôi cảm thấy tiếc cho cô ấy", Barbara thừa nhận với Chase Untermeyer, trợ lý điều hành của Bush. Bà qua đời tháng 4/2018, hưởng thọ 92 tuổi.
Khánh Lynh (Theo Daily Mail)