Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ tư, 8/12/2021, 21:00 (GMT+7)

Trận tập kích Trân Châu Cảng 80 năm trước

Hơn 350 máy bay từ 6 tàu sân bay Nhật chia làm hai đợt tấn công và gây thiệt hại nặng cho lực lượng Mỹ tại Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941.

8h sáng 7/12/1941 (1h sáng 8/12/1941 giờ Hà Nội), 177 máy bay từ 6 tàu sân bay của hải quân đế quốc Nhật Bản xuất kích đợt đầu tiên nhằm vào Trân Châu Cảng và một số căn cứ Mỹ khác trên đảo Oahu, Hawaii.

Ảnh chụp từ máy bay Nhật cho thấy cột nước bắn lên khi thiết giáp hạm USS West Virginia trúng ngư lôi trong đợt không kích nhắm vào nhóm chiến hạm neo đậu cạnh đảo Ford.

Binh sĩ Nhật Bản trong khu vực đặt sa bàn Trân Châu Cảng phục vụ làm phim sau trận không kích.

Đế quốc Nhật Bản tính toán trận tập kích Trân Châu Cảng sẽ ngăn hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tham chiến tại châu Á. Họ dành nhiều tháng nghiên cứu chiến thuật tấn công và các trận đánh trước đó để lên kế hoạch cho chiến dịch này.

Máy bay Nhật Bản chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay Shokaku chuẩn bị tập kích Trân Châu Cảng.

Thiết giáp hạm USS Arizona (bên phải) bốc cháy dữ dội sau khi một ụ pháo trúng bom và phát nổ. Các thủy thủ trên thiết giáp hạm USS Tennessee (bên trái) liên tục xịt vòi rồng xuống biển để ngăn dầu cháy lan sang chiến hạm này.

Hai đợt tấn công của Nhật diễn ra trong khoảng 75 phút. 20 chiến hạm Mỹ bị đánh chìm, trong đó có 8 thiết giáp hạm, cùng 300 máy bay bị phá hủy. Hơn 2.400 binh sĩ và dân thường Mỹ thiệt mạng, khoảng 1.100 người bị thương.

Khu trục hạm USS Shaw phát nổ khi trúng bom của máy bay Nhật Bản trong đợt tấn công thứ hai.

Tàu ngầm cỡ nhỏ lớp Type A của Nhật dạt vào bờ biển đảo Oahu sau khi mắc cạn trong lúc tham gia trận Trân Châu Cảng.

Phía Nhật Bản mất 5 tàu ngầm cỡ nhỏ, trong đó 4 chiếc bị đánh chìm, 29 máy bay bị bắn hạ, 74 máy bay chịu hư hại, 64 binh sĩ thiệt mạng và chỉ huy tàu ngầm Kazuo Sakamaki bị bắt.

Thủy thủ Mỹ cố gắng cứu dập lửa trên thủy phi cơ PBY ở căn cứ không quân hải quân tại vịnh Kaneohe giữa trận không kích của Nhật Bản.

Thiết giáp hạm USS California (ngoài cùng, bên trái) cố gắng cập cảng sau khi trúng hai ngư lôi. Thiết giáp hạm USS Maryland (giữa) đậu gần chiến hạm USS Oklahoma bị lật bên cạnh. Tàu dầu USS Neosho (bên phải) đang lùi ra khỏi khu vực bị oanh tạc.

Trận Trân Châu Cảng được đánh giá là sự kiện lớn trong Thế chiến II, thúc đẩy tổng thống Mỹ khi đó là Franklin D. Roosevelt quyết định tham chiến.

Thủy thủ Mỹ tìm kiếm người sống sót quanh thiết giáp hạm USS West Virginia đang bốc cháy sau trận không kích của Nhật Bản.

Hải quân Mỹ sau đó trục vớt một số chiến hạm bị đánh chìm trong trận Trân Châu Cảng, bao gồm 5 thiết giáp hạm và hai tuần dương hạm. Họ quyết định không sửa thiết giáp hạm USS Oklahoma mà tháo dỡ pháo và cấu trúc thượng tầng để dùng cho mục đích khác.

Thiết giáp hạm USS California cập cảng phía đông nam đảo Ford sau khi trúng bom và ngư lôi của Nhật Bản.

Không quân hải quân Nhật Bản gây thiệt hại diện rộng cho chiến hạm và máy bay Mỹ tại Trân Châu Cảng, song trận đánh gần như không ảnh hưởng tới kho nhiên liệu, xưởng sửa chữa và trụ sở các cơ quan tình báo trên đảo Oahu.

Hơn 20 quốc gia, trong đó có Australia, New Zealand, Hà Lan, Canada, tuyên chiến với Nhật sau khi Mỹ bước vào cuộc chiến tranh tổng lực với nước này.

Ảnh: US Navy, US National Archives