Ngày 23/4/2012, 6 công ty chứng khoán bị đặt vào trình trạng kiểm soát đặc biệt do tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro nhỏ hơn 120% là Cao Su, Vina, Hà Nội, Trường Sơn, Đà Nẵng và Mê Kông.
Đến ngày 23/10 vừa qua, thời hạn kiểm soát đặc biệt của 6 công ty này đã hết, Ủy ban chứng khoán (UBCK) đang dần đưa ra các “án phạt” cho công ty nào không khắc phục được tình trạng này.
Có 2 công ty được đưa ra khỏi tình trang kiểm soát đặc biệt là Vina (VNSC) và Đà Nẵng (DNSC).
Tại số liệu tỷ lệ an toàn tài chính đã kiểm toán ở thời điểm 30/6/2012, tỷ lệ an toàn vốn của VNSC đạt 188% còn DNSC đạt 233%.
Lợi nhuận sau thuế quý 3/2012 của VNSC lỗ 4,72 tỷ đồng tuy nhiên 9 tháng công ty vẫn lãi 5,15 tỷ đồng. Ở thời điểm 30/9/2012, lỗ lũy kế của công ty đã giảm từ 154,7 tỷ đồng xuống 149,5 tỷ đồng, tuy nhiên tỷ lệ lỗ lũy kế/vốn điều lệ của Vina vẫn ở mức cao 80,8%.
Đối với DNSC, quý 3/2012 công ty đã có lãi 214 triệu đồng, 9 tháng lỗ 305 triệu đồng, Tiền mặt của công ty có 5,36 tỷ đồng, trong khi khoản đầu tư tài chính chỉ 18,3 tỷ đồng, trong đó công ty đã trích lập dự phòng 13,6 tỷ. Công ty không đi vay nợ, có khoản phải trả 2,43 tỷ đồng.
2 công ty bị đình chỉ hoạt động 6 tháng là Chứng khoán Trường Sơn (TSS) và chứng khoán Hà Nội (HSSC).
Công ty chứng khoán Hà Nội đã không còn là thành viên của hai Sở, trong khi Trường Sơn không nộp báo cáo tỷ lệ an toàn vốn. Hai công ty này đã bị tước nghiệp vụ môi giới chứng khoán và do đó, việc đình chỉ hoạt động sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nhà đầu tư bởi tình hình hoạt động của các công ty chứng khoán này đã duy trì trạng thái “vật vờ” từ trước đó.
Tuy nhiên ở TSS, trong báo cáo kiểm toán 2011, kiểm toán có lưu ý việc công ty vay Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa về việc cung cấp dịch vụ cho vay ứng trước tiền bán là 43,6 tỷ đồng đã quá hạn thanh toán và nhận của Công ty cổ phần Điện lực Hà Nội 29 tỷ để môi giới trái phiếu Chính phủ nhưng chưa mua được. Công ty chưa có nguồn để thanh toán các khoản nợ này.
TSS bị đình chỉ hoạt động từ ngày 26/10/2012 đến ngày 26/04/2013.
Hiện UBCK chưa ra quyết định đối với Mê Kông và Cao Su (RUBSE), tuy nhiên tình hình của RUBSE khá “bi đát” khi công ty này đã âm vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/9/2012. Điểm sáng duy nhất của RUBSE thời gian này đó là công ty đã có chủ mới khi Tập đoàn Cao su đã thoái toàn bộ vốn.
Đối với Mê Kông, tỷ lệ an toàn vốn tại thời điểm 30/6 của công ty này đạt trên 230%, quý 3 công ty lỗ 2,47 tỷ đồng nhưng lũy kế 9 tháng vẫn lãi 1,5 tỷ đồng. Đầu tháng 10, công ty vừa bị UBCK phạt vì bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt nhưng không báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính hàng ngày.
Ngoài 6 công ty trên, 3 công ty khác đang trong thời hạn kiểm soát đặc biệt là Công ty chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (mã VIG) (bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt từ ngày 4/5/2012 do tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro nhỏ hơn 120%), Chứng khoán Sài gòn Thương Tín (SBS) (từ 29/8), Tràng An (từ 6/9).
Lành mạnh hóa thị trường
Những động thái gần đây của UBCK cho thấy quá trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán đang được đẩy nhanh và quyết liệt hơn. Sau khi Thông tư 226 về tỷ lệ an toàn tài chính được ban hành, UBCK đã có những sửa đổi để kiểm soát chặt chẽ hơn việc công bố thông tin của các công ty chứng khoán cũng như việc đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính của các công ty chứng khoán.
Thông tư 165 có hiệu lực từ ngày 1/12/2012 đã rút ngắn thời gian kiểm soát đặc biệt của các công ty chứng khoán bị kiểm soát đặc biệt từ 6 tháng xuống 4 tháng và lần đầu tiên áp dụng chế tài tạm dừng hoạt động đối với công ty chứng khoán nào không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt có lỗ lũy kế dưới 50% vốn điều lệ.
Công ty chứng khoán nào không nộp tỷ lệ an toàn vốn 2 kỳ liên tiếp hoặc không công bố thông tin về tỷ lệ an toàn tài chính đã được soát xét, kiểm toán cũng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt cho dù tỷ lệ an toàn vốn có dưới 120% hay không.
Bên cạnh đó, thanh tra UBCK cũng đẩy mạnh kiểm tra tại các công ty chứng khoán để ngăn chặn tình trạng bán khống hay cho vay margin trái quy định. Trong 1 tháng vừa qua, HSC bị phạt 105 triệu đồng vì không quản lý nhân viên cho khách hàng bán khống, VNDirect bị tạm ngưng cấp margin mới trong 60 ngày vì cho vay margin sai quy định, ..
Những động thái này của UBCK cho thấy sẽ không có sự nhân nhượng cho những trường hợp làm sai luật, cho dù đó là công ty chứng khoán yếu hay khỏe. Sẽ có những cái tên biến mất khỏi thị trường, nhưng đó là việc làm cần thiết mà đáng lẽ đã phải làm từ lâu.
Theo TTVN