![]() |
Tàu sân bay Admiral Gorshkov, lúc chưa đổi tên và hoán cải. Ảnh: wiki |
Thủy thủ đoàn đầu tiên này sẽ được đào tạo cách sử dụng các hệ thống ngay trên tàu sân bay INS Vikramaditya đang được gấp rút hoàn thành tại Nga. Khóa đào tạo đầu tiên kéo dài khoảng 4 tháng, bao gồm các bài học về lý thuyết cùng các bài tập thực tế trên tàu.
Họ gồm các sĩ quan và thủy thủ từ ngành kỹ thuật hải quân. Thủy thủ đoàn đầy đủ cho tàu sân bay INS Vikramaditya khoảng 1.400 người.
Một quan chức của hải quân Ấn Độ cho biết: "Thủy thủ đoàn được đào tạo đợt đầu tiên này sẽ làm cơ sở cho các đoàn học viên tiếp theo. Mọi công việc đào tạo sẽ hoàn tất trước khi tàu sân bay được bàn giao cho Ấn Độ vào năm 2012".
Trước đó, hải quân Ấn Độ đã giới thiệu tiêm kích trên hạm Mig-29K tại căn cứ không quân Goa. Theo kế hoạch Ấn Độ sẽ sở hữu khoảng 45 chiếc Mig-29K trong thời gian tới.
Theo brahmand, các phi công của Mig-29K cũng sẽ được đào tạo trên một hệ thống mô phỏng cất hạ cánh trên tàu sân bay và các hoạt động tác chiến trên biển.
Thương vụ mua bán và hoán cải tàu sân bay Admiral Gorshkov được xem là vụ mua bán phức tạp nhất giữa Nga và Ấn Độ. Năm 2004, hai bên đã đạt được thỏa thuận mua bán tàu sân bay trực thăng Admiral Gorshkov và chuyển đổi thành tàu sân bay cho máy bay phản lực cất cánh, với giá ban đầu là 947 triệu USD. Bên cạnh đó còn có hợp đồng mua 16 chiếc Mig-29K trị giá 526 triệu USD.
Tuy nhiên năm 2008, phía Nga đã nâng giá lên 1,5 tỷ USD. Hai bên đã có những cuộc tranh cãi kịch liệt về vấn đề này, công việc hoán cải và hiện đại hóa bị dừng lại. Năm 2009 Ấn Độ đã đồng ý mức giá mới, công việc tái trang bị tiếp tục được vận hành.
Tuy nhiên, cuối năm 2010, phía Nga lại một lần nữa nâng giá thành. Cuối cùng Ấn Độ đã phải chấp nhận mức giá mới lên đến 2,3 tỷ USD, cả phía Nga và Ấn Độ đều chịu nhiều thiệt hại trong thương vụ này.
Minh Tâm