Sự dễ dãi của người tiêu dùng đã tiếp tay cho việc bán đồ ăn bẩn. Ảnh: Sài Gòn Tiếp Thị. |
Văn bản trên đang được Bộ Y tế chủ trì soạn thảo để thay thế nghị định 45/CP hiện hành. Tiến sĩ Trần Đáng, Cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết, cơ sở đề xuất phạt người ăn bẩn chính là pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng, trong đó nói rằng người tiêu dùng có trách nhiệm tự bảo vệ mình, không được sử dụng hàng hoá, dịch vụ gây tổn hại đến môi trường, tính mạng, sức khoẻ của mình và cộng đồng. Nhiều văn bản khác về y tế cũng nghiêm cấm hành vi làm lây lan dịch bệnh. Vì vậy, những người ăn uống để gây ngộ độc cho chính mình hoặc lây lan dịch bệnh cho người khác, khiến Nhà nước phải tốn tiền khắc phục hậu quả sẽ bị xử lý.
Từ trước đến nay, chỉ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bị phạt, và tình hình ngộ độc thực phẩm vẫn không giảm. "Với thực tiễn của những lần đi thanh tra, chúng tôi khẳng định có rất nhiều vụ ngộ độc, lây lan dịch bệnh có lỗi rất lớn từ phía người tiêu dùng" - tiến sĩ Trần Đáng nói. Theo ông, chính thói quen ăn uống không đòi hỏi các tiêu chuẩn vệ sinh của họ đã làm cho người sản xuất, kinh doanh cũng coi thường việc chấp hành.
Về lo ngại rằng người tiêu dùng có thể bị phạt oan vì họ không kiểm soát được chất lượng thực phẩm trước khi ăn, ông Đáng cho biết việc xử lý người ăn bẩn sẽ không dựa trên vi phạm của người bán mà dựa vào việc họ không chấp hành các khuyến cáo mà ngành y tế đã đưa ra: "Người ta đã khuyến cáo không ăn rau sống mất vệ sinh, tại sao vẫn ăn; không ngồi ăn bên cống rãnh, tại sao vẫn ngồi? Phải rửa tay trước khi ăn, tại sao không làm? Không được để móng tay dài, bẩn thỉu tiếp xúc thức ăn, tại sao vẫn để?".
Việc xử phạt cụ thể sẽ phải dựa trên kết luận của lực lượng thanh tra chuyên ngành về mức độ vi phạm, vào ý thức của họ (cố tình hay vô ý). Mức xử phạt dự kiến đối với hành vi ăn bẩn là từ 50.000 đến 200.000 đồng. Nếu vi phạm đó gây hậu quả nghiêm trọng thì lực lượng thanh tra có quyền kiến nghị chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra để xử lý hình sự.
Ngoài ra theo dự thảo trên, lãnh đạo các cơ quan quản lý như trường học, bệnh viện, công ty... cũng sẽ bị xử lý nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm tại đơn vị của mình.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)