Nội dung được giới đầu tư Mỹ quan tâm nhất hôm 23/10 là 2 cuộc điều trần diễn ra song song của cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (FED) Alan Greenspan trước Ủy ban Giám sát và phần trình bày của nữ Chủ tịch hãng Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) Sheila Blair trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Mỹ.
Sau mười tám năm rưỡi điều hành FED trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ với tỷ lệ lạm phát rất thấp, ông Alan Greenspan trở thành biểu tượng của đường lối kinh tế tự do, mà minh chứng rõ ràng nhất là phố Wall. Ông được quan chức cũng như những nhà lập pháp Mỹ trọng vọng và về hưu năm 2006 với nhiều thành tựu. Vì thế, cuộc điều trần 4 giờ đồng hồ với nhiều câu chất vấn thẳng thừng trước Thượng viện hôm 23/10 là một đòn giáng mạnh vào danh tiếng của ông.
Cùng với ông Greenspan xuất hiện trước Ủy ban Giám sát của Thượng viện là cựu Bộ trưởng Tài chính John Snow và Chủ tịch Ủy ban chứng khoán đương nhiệm Christopher Cox.
Cựu chủ tịch FED Alan Greenspan tại cuộc điều trần. Ảnh: AP. |
Liên tiếp trong cuộc điều trần, 3 nhân vật này nhận được câu hỏi từ các thượng nghị sĩ về trách nhiệm của họ trong việc theo đuổi đường lối kinh tế thiếu sự quản lý chặt chẽ, tạo cơ hội cho cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất trong 70 năm qua nổ ra.
Vị cựu chủ tịch FED năm nay đã 82 tuổi cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế mà nước Mỹ đang lâm vào không phải do lỗi của ông, nhưng thừa nhận thị trường tài chính chao đảo cho thấy đã có sai lầm trong cả cuộc đời ông dành để suy ngẫm về kinh tế, và điều này khiến ông "bị sốc vì mất niềm tin".
Trong bản giải trính dài hơn 10 trang đọc trước Thượng viện, ông Greenspan gọi tình trạng khủng hoảng trên thị trường nhà đất và ngân hàng Mỹ hiện nay là "cơn sóng thần thế kỷ", khiến cho hệ thống thị trường tự do bị đổ vỡ. Cựu chủ tịch FED cũng cảnh báo, tình hình có thể còn xấu đi hơn nữa trước khi có dấu hiệu khởi sắc, khiến cho tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, và thị trường nhà đất mất ổn định trong nhiều tháng.
Những dữ liệu kinh tế được công bố cùng ngày đã chứng minh những gì ông Greenspan nói. Số người mất việc trong riêng tuần trước là gần 500.000, trong khi các hãng lớn Goldman Sachs, Chrysler và Xerox đều thông báo sắp cắt giảm thêm hàng nghìn nhân công.
Những diễn biến tại nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến ông Greenspan, một người luôn tin tưởng tuyệt đối vào đường lối kinh tế tự do, đã đề nghị Chính phủ Mỹ xem xét ban hành các quy định chặt chẽ hơn, trong đó yêu cầu các công ty mua lại nợ xấu rồi chứng khoán hóa (như cách làm của Freddie Mac và Fannie Mae) phải giữ lại một phần để kiểm chứng về chất lượng. Ông cũng kiến nghị xem xét thay đổi các quy định khác, như trong lĩnh vực ngăn chặn lừa đảo.
Theo các thượng nghị sỹ thuộc Ủy ban Giám sát, ông Greenspan phải chịu trách nhiệm về những gì đang xảy ra tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. "Danh sách những sai lầm về quản lý và đánh giá tình hình rất dài", chủ tọa phiên điều trần Henry Waxman tuyên bố.
Chủ tọa phiên điều trần Henry Waxman cũng yêu cầu ông giải thích về hàng loạt hành động khi còn là Chủ tịch FED, chẳng hạn phản đối việc dùng quyền lực của FED để ngăn chặn cho vay thế chấp dưới chuẩn, phản đối việc quản lý chặt nghiệp vụ phái sinh của các ngân hàng.
Ông Greenspan thừa nhận đã sai lầm khi bỏ qua những mối lo ngại rằng cơn sốt nhà đất kéo dài 5 năm tại Mỹ sẽ biến thành bong bóng đầu cơ và có thể làm hại nền kinh tế một khi nó vỡ. "Cuộc khủng hoảng hiện nay đã loang rộng hơn tất cả những gì tôi từng tưởng tượng", ông Greenspan nói.
Ông cũng cho rằng, ngoại trừ việc có thể có lừa đảo về tín dụng, các nghiệp vụ ngân hàng phái sinh hầu như không gây ra vấn đề nghiêm trọng. Cơn sốt cho vay dưới chuẩn xảy ra bởi nền kinh tế có nhu cầu khổng lồ vay vốn để đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ trở nên toàn cầu hóa. Riêng về hàng tỷ đôla thua lỗ của các định chế tài chính, ông Greenspan cho biết bị sốc trước việc lãnh đạo các nhà băng không thể bảo vệ quyền lợi của cổ đông.
"Trụ cột quan trọng của cạnh tranh và thị trường tự do đã đổ vỡ. Tôi cũng chưa hiểu rõ toàn bộ việc này xảy ra như thế nào", ông nói.
Trong lúc này, Chính phủ Mỹ đang làm các thủ tục để mua lại các khoản nợ xấu của các ngân hàng bằng một phần tiền từ gói giải pháp 700 tỷ USD. Cùng lúc đó, chính quyền của Tổng thống Bush đang tính tới việc tiến hành thêm một gói giải pháp nữa để dập khủng hoảng.
Thu Nga (theo AP, CNN)